Quảng Ninh: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

HẢI NGÂN 04/05/2023 01:11

Quảng Ninh đang ưu tiên thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ tối đa vướng mắc cản trở hoạt động của doanh nghiệp nhằm khơi thông điểm nghẽn, hướng đến mục tiêu thành lập hơn 2.000 doanh nghiệp trong năm 2023.

>>>Quảng Ninh: Khởi sắc xuất nhập khẩu vùng biên

>>>Quảng Ninh: Đưa vào khai thác tuyến đường kết nối di sản

Đồng hành, hỗ trợ

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đứng trước khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, giải thể. Đứng trước khó khăn đó, tỉnh Quảng Ninh luôn kiên định mục tiêu lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể; bảo đảm hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, con người. Đồng thời, chú trọng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu sẽ thành lập mới hơn 2.000 doanh nghiệp

Trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu sẽ thành lập mới hơn 2.000 doanh nghiệp

Địa phương này cũng thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, “Chương trình cafe doanh nhân” để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn; đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện, giải quyết nhanh chóng các TTHC cho người dân, doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, các hợp tác xã, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường, giải phóng mặt bằng, vật liệu san lấp....

Đồng thời, gặp gỡ, tiếp xúc, quảng bá về môi trường đầu tư kinh doanh của Quảng Ninh với một số tập đoàn kinh tế nước ngoài lớn; tham dự một số diễn đàn, hội thảo về kinh tế… Với việc chủ động gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, Quảng Ninh đã nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

ãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thăm xưởng sản xuất tivi thuộc Công ty TNHH Competition Team Technology (Việt Nam) tại Khu công nghiệp Đông Mai (ảnh: Báo Quảng Ninh)

ãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thăm xưởng sản xuất tivi thuộc Công ty TNHH Competition Team Technology (Việt Nam) tại Khu công nghiệp Đông Mai (ảnh: Báo Quảng Ninh)

Theo ông Trần Văn Út - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến cho biết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thủy sản và sản xuất phao nhựa HDPE dùng trong nuôi trồng thủy sản. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từng lâm vào cảnh lao đao khi tháng 8/2022 bị cháy nhà xưởng, đầu năm 2023 một loạt các lô hàng hàu sống bị phân luồng đỏ. Ngay sau đó, phía doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của địa phương và các sở, ngành. Đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã nhanh chóng được khôi phục trở lại. Phía doanh nghiệp cũng mong muốn tỉnh tiếp tục lắng nghe các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi đây đều là những doanh nghiệp còn hạn chế về quy mô và tài chính, trình độ quản lý và tỷ suất lợi nhuận thấp, khó tiếp cận được vốn vay.

>>>Quảng Ninh: Cải cách hành chính để thu hút đầu tư

Theo ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết, phía cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân rất mong muốn trong năm 2023 sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả từ tỉnh và các sở, ngành, địa phương. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp có thêm động lực để ổn định và phát triển mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh trong chặng đường phát triển mới.

Còn theo đại diện Tổ hợp KCN DEEP C cho biết, trong thời gian đầu tư tại Quảng Ninh, phía doanh nghiệp đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của tỉnh. Điều đặc biệt là với bất kỳ kiến nghị nào doanh nghiệp cũng đều nhận được những câu trả lời thỏa đáng của chính quyền địa phương.

Để đạt mục tiêu lớn

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, quý I/2023, trên địa bàn tỉnh có 503 đơn vị thành lập mới, đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng Sông Hồng, đứng thứ 12 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới. Số lao động tại các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 3.846 người, tăng 69,5% cùng kỳ 2022. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17.259 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký kinh doanh với vốn đăng ký đạt 328.000 tỷ đồng.

Cũng trong quý I/2023, tỉnh Quảng Ninh đã đón tiếp và làm việc với 20 tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài đến nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại các KCN, KKT; trao giấy chứng nhận đầu tư cho một số dự án FDI lớn.

Tỉnh Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động nhất của Việt Nam với ASEAN.

Phát huy lợi thế này, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 là trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước… Tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia. Đặc biệt, trong năm 2023, địa phương này đặt mục tiêu sẽ thành lập mới hơn 2.000 doanh nghiệp; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 1 tỷ USD vào các KCN, KKT.

Nhiều dự án FDI đến đầu tư tại Quảng Ninh (Trong ảnh: Phối cảnh dự án Core5 Quảng Ninh tại KCN DEEPC Quảng Ninh 2)

Nhiều dự án FDI đến đầu tư tại Quảng Ninh (Trong ảnh: Phối cảnh dự án Core5 Quảng Ninh tại KCN DEEPC Quảng Ninh 2)

Để đạt được mục tiêu này, ngay từ những ngày đầu năm, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo quyết liệt và các sở, ngành, địa phương triển khai mạnh các giải pháp để thực chất hơn nữa công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư vào địa phương. Địa phương cũng đã trả lời, giải đáp tương đối thấu đáo và kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong nhiều nội dung, như: Thị trường vốn; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến chế tạo; hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh du lịch, dịch vụ...

Mới đây, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp năm 2023. Theo đó, Quảng Ninh sẽ tập trung cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chú trọng hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ kê khai thuế, kế toán, công nghệ, khởi nghiệp, mở rộng thị trường, thông tin, tư vấn và pháp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị. Tỉnh Quảng Ninh cũng quyết tâm tăng số lượng thành lập doanh nghiệp mới; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể và ngừng sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh năng lực sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị. Phát huy hiệu quả các tổ công tác về hỗ trợ đầu tư Investor Care, tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp, tổ hỗ trợ đầu tư một số dự án trọng điểm để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; cam kết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp vào tỉnh, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người lao động. Đồng thời, phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm 2023 và những năm tiếp theo, tỉnh Quảng Ninh đang đứng trước những cơ hội phát triển mới rất to lớn, đan xen khó khăn, thách thức để từng bước hiện thực hoá mục tiêu xây dưng, phát triển Quảng Ninh trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt. Vì vậy, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm, kinh tế xanh và kinh doanh bền vững…

Cũng theo ông Ký, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung nghiên cứu ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ; tổ chức đối thoại định kỳ giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; đánh giá thực chất quá trình xử lý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả đầu tư công; khuyến khích đầu tư của khu vực doanh nghiệp góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Giao thông mở đường cho du lịch

    Quảng Ninh: Giao thông mở đường cho du lịch "cất cánh"

    03:00, 03/05/2023

  • Quảng Ninh: Khởi sắc xuất nhập khẩu vùng biên

    Quảng Ninh: Khởi sắc xuất nhập khẩu vùng biên

    02:28, 03/05/2023

  • Quảng Ninh: Đưa vào khai thác tuyến đường kết nối di sản

    Quảng Ninh: Đưa vào khai thác tuyến đường kết nối di sản

    01:10, 02/05/2023

HẢI NGÂN