Gia Lai: Gỡ khó cho đầu tư công để phát triển dịch vụ và sản xuất
Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về các vấn đề liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu của tỉnh.
>>"Lên giây cót" tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công phục hồi tăng trưởng
Trong những tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh Gia Lai ước đạt hơn 5,9%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng ước đạt 30.950 tỷ đồng. Tại địa phương, thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Theo đó, các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh như nông nghiệp, công nghiệp, chăn nuôi và dịch vụ cũng đã có chiều hướng tăng trưởng trong những tháng đầu năm. Năm 2023, tỉnh Gia Lai được giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công hơn 4.000 tỷ đồng, tính đến ngày 4/5 Gia Lai đã giải ngân hơn 335 tỷ, đạt hơn 8% kế hoạch.
Về đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế cho biết, địa phương đã tập trung tìm nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đầu tư công. Tuy nhiên, để tháo gỡ những khó, vướng mắc là không dễ dàng vì thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai còn chồng chéo, một số quy định theo Luật Đầu tư công chưa phù hợp với thực tế.
UBND tỉnh Gia Lai đã thành lập 3 Tổ công tác, thường xuyên đôn đốc các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công để đảm bảo hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2023. Các chương trình mục tiêu Quốc gia, tỉnh Gia Lai vẫn còn vướng mắc về thể chế, thiếu văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn cụ thể trong tổ chức thực hiện và một số quy định do Trung ương ban hành, hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế tại địa phương.
Tại buổi làm việc với tỉnh Gia Lai vừa qua, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh vai trò quan trọng của tỉnh Gia Lai trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên và cả nước. Về các giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển trong thời gian tới, đối với các sản phẩm chủ lực như cà phê, cao su, tiêu….tỉnh cần đẩy mạnh hợp tác để tìm thị trường xuất khẩu.
Cùng với đó, địa phương khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng như: du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin,... và tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế chủ lực và mới của địa phương.
Bộ Trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị tỉnh Gia Lai cần đẩy mạnh đầu tư công vào xây dựng và nâng cấp các hạ tầng giao thông, điện lực, thông tin liên lạc để kết nối Gia Lai với các tỉnh lân cận và các khu vực khác. Đặc biệt, ưu tiên hoàn thiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, liên vùng như dự án Đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh Quốc lộ 19), đầu tư đường cao tốc Pleiku - Quy Nhơn, dự án đường Nguyễn Văn Linh…
Trước đó, đoàn công tác cũng đã đến hiện trường các dự án đầu tư công như Dự án đường Hoàng Sa, Dự án đường Nguyễn Văn Linh, Dự án đường Lê Đại Hành, đường Trần Can. Tại đây, lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai cùng một số sở ngành đã nêu lên những vướng mắc, khó khăn trong thi công thực tế.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay Đoàn công tác sẽ tổng hợp đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng sớm có sự hỗ trợ để tỉnh khắc phục những khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, sớm đưa các công trình vào sử dụng phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể bạn quan tâm