Bắc Giang: Hơn 200 thương nhân Trung Quốc đăng ký nhập cảnh thu mua vải thiều

DƯƠNG THÀNH 15/05/2023 01:57

Dự kiến cuối tháng 5/2023, 201 thương nhân Trung Quốc sẽ bắt đầu nhập cảnh sang Bắc Giang để tham gia tiêu thụ vải thiều chín sớm.

Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại Bắc Giang (Sở Công Thương Bắc Giang) cho biết, đã có 201 thương nhân Trung Quốc đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam và đến Bắc Giang để tham gia giám sát vùng nguyên liệu, ký kết các hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều thiều của địa phương này.

>>> Bắc Giang: Chất lượng vải thiều cao nhất từ trước tới nay

Sau 2 đợt phê duyệt hồ sơ, danh sách các thương nhân Trung Quốc này đã được Công an tỉnh Bắc Giang gửi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) để làm các thủ tục cấp phép nhập cảnh. Theo Sở Công Thương Bắc Giang, năm 2023, toàn tỉnh có 29.700 ha vải thiều; trong đó, diện tích cho thu hoạch ước đạt sản lượng trên 180.000 tấn, thời gian thu hoạch dự kiến từ 20/05 – 30/07.

>>> Vải thiều Việt Nam chinh phục thị trường thế giới

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, cho biết: Để chuẩn bị sản xuất vải thiều xuất khẩu năm nay, Sở đã sớm xây dựng kế hoạch về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vải thiều năm 2023. Toàn tỉnh hiện duy trì 178 mã số vùng trồng đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu; đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp thêm 45 mã vùng trồng, nâng tổng số lên 223 mã số vùng trồng vải, với diện tích 17.724 ha. Sản lượng ước đạt 115.000 tấn phục vụ cho xuất khẩu vào các thị trường truyền thống và thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật, Australia, Trung Quốc, Thái Lan… Cùng với đó, hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang duy trì 300 cơ sở đóng gói vải thiều đủ điều kiện xuất khẩu.

Vụ thu hoạch vải thiều năm 2023 đang đến gần. Ông Phan Thế Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhận định, năm nay thời tiết tốt sẽ được mùa vải, tỉnh đang chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện các biện pháp chuẩn bị thu hoạch và tiêu thụ vải, nhất là các biện pháp để xuất khẩu. Yêu cầu các đơn vị chuyên môn của tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố trong tỉnh hướng dẫn các hộ sản xuất vải đẩy mạnh việc chăm sóc, chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thu hoạch. Rà soát, đánh giá tất cả mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vải thiều bảo đảm các quy định của các nước nhập khẩu. Đẩy mạnh số hóa vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để phục vụ xuất khẩu; rà soát, thiết lập hồ sơ đánh giá vùng trồng vải xuất khẩu.

Công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang năm nay có điểm đổi mới. Thay vì tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại ở nhiều tỉnh, thành phố, Sở Công thương Bắc Giang sẽ chuyển sang kết nối trực tiếp cho các nhà vườn, hợp tác xã với doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải.

>>> Đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều qua sàn thương mại điện tử, nền tảng online
Phố Kim – TT Chũ mùa thu hoạch vải thiều

Phố Kim – TT Chũ mùa thu hoạch vải thiều

Đến nay, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Bắc Giang đã ký kết 34 biên bản thỏa thuận hợp tác đối với các chợ đầu mối nông sản, sàn giao dịch thương mại điện tử, các chuỗi siêu thị, doanh nghiệp… để tiêu thụ vải.

Để xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc thuận lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm túc, làm đúng các quy định trong Lệnh 248 (quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc) và Lệnh 249 (quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu vào Trung Quốc) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, để giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang đang hỗ trợ, hướng dẫn các hộ sản xuất trong vùng trồng vải thiều chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thu hoạch và chuẩn bị cho công tác kiểm tra thực địa vùng trồng, cơ sở đóng gói của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

>>> Hải Dương gắn vải thiều với du lịch

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, qua rà soát đến nay, toàn tỉnh đã có 110 mã số vùng trồng với 16.034 ha và 215 cơ sở đủ điều kiện đóng gói quả vải tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bắc Giang cũng đang đề nghị cấp bổ sung 13 mã số vùng trồng, diện tích 575 ha, nâng tổng số diện tích trồng vải thiều xuất khẩu Trung Quốc lên 16.609 ha, sản lượng ước đạt 110.000 tấn.

Có thể bạn quan tâm

  • Vải thiều Việt Nam được đón nhận như thế nào trên đất Nhật?

    04:02, 06/07/2022

  • Hải Dương gắn vải thiều với du lịch

    02:00, 30/04/2023

  • Vải thiều Việt Nam chinh phục thị trường thế giới

    01:34, 21/06/2022

DƯƠNG THÀNH