Quảng Ninh: Duy trì “lửa” cải cách, nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp
Để công tác cải cách hành chính tiếp tục được nâng cao, Quảng Ninh đang tăng cường giám sát việc giải quyết TTHC; xử lý nghiêm trường hợp cán bộ nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
>>>Quảng Ninh: Nhiều dư địa phát triển bất động sản công nghiệp
>>>Kinh tế biển là trụ cột để Quảng Ninh phát triển bền vững
Những điểm còn hạn chế
Theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh cho biết, giai đoạn 2020-2025, Quảng Ninh đã đưa chỉ tiêu giữ vững vị trí đứng đầu 4 chỉ số PCI, SIPAS, PAR-INDEX, PAPI. Trong đó, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước từ năm 2017 đến nay lập kỷ lục 6 năm liên tiếp đứng đầu chỉ số PCI, 5 năm dẫn đầu chỉ số PAR-INDEX, 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS, 2 năm dẫn đầu chỉ số PAPI và cũng là tỉnh duy nhất cả nước có 2 năm (2020 và 2022) dẫn đầu ở cả 4 chỉ số: PCI, SIPAS, PAR-INDEX, PAPI.
Dù nằm trong tốp đầu bảng xếp hạng các chỉ số, song nhiều chỉ số thành phần lại không có sự cải thiện, vẫn có nhiều thủ tục của người dân, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết. Điều này đã được tỉnh Quảng Ninh thẳng thắn thừa nhận tại Hội nghị phân tích chuyên sâu các chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, PAPI và công bố kết quả xếp hạng các chỉ số của sở, ngành, địa phương năm 2022 mới đây.
Theo ông Bùi Văn Khắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định các Chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, PAPI, DTI là một trong những công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Chính vì vậy, sau khi Bộ Nội vụ triển khai các Chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, PAPI, tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu, xây dựng các Bộ Chỉ số đánh giá kết quả triển khai tại tỉnh đối với các sở, ngành, địa phương. Theo đó, Bộ Chỉ số PAR-INDEX được triển khai từ năm 2013, Chỉ số SIPAS được triển khai từ năm 2017, Chỉ số DGI triển khai từ năm 2018, Chỉ số ICT triển khai từ năm 2016.
>>>Quảng Ninh: “Gỡ khó” cho doanh nghiệp về phòng cháy chữa cháy
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, năm 2022, Quảng Ninh triển khai đánh giá xếp hạng PAR-INDEX đối với 51 đơn vị, gồm: 20 sở, ban, ngành; 13 địa phương; 8 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và 10 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh. Theo đó, điểm trung bình của 20 sở, ngành đạt 86,89 điểm, giảm 1,65 điểm so với năm 2021; điểm trung bình của 13/13 UBND cấp huyện đạt 85,39 điểm, giảm 4,08 điểm so với năm 2021 và cả 13/13 địa phương năm 2022 đều có điểm trung bình giảm; điểm trung bình của 8 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và 10 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh đều tăng so với năm 2021.
Về kết quả đánh giá chung Chỉ số SIPAS của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2022, trong số 41 cơ quan được đánh giá có 18/41 đơn vị, chiếm gần 44% tổng số đơn vị có thứ hạng tăng so với năm 2021; 6/41 đơn vị giữ nguyên vị trí thứ hạng; 17/41 đơn vị giảm thứ hạng, chiếm tỷ lệ 41,4% tổng số đơn vị khảo sát chỉ số SIPAS.
Chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) của các huyện, thị xã, thành phố năm 2022, có 6/13 địa phương có điểm số và thứ hạng tăng; 5/13 địa phương giảm thứ hạng. Đối với Chỉ số đánh giá mức độ chính quyền điện tử (ICT), mức độ trung bình đạt được của các sở, ban, ngành đạt được trong năm 2022 là 139 điểm, tăng 11 điểm so với năm 2021.
Cũng theo UBND tỉnh Quảng Ninh, nguyên nhân dẫn đến việc các đơn vị giảm thứ hạng là do các sở, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung cải cách hành chính. Một số sở, ngành, địa phương chưa quan tâm đến việc xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch, không thực hiện đúng chế độ báo cáo theo quy định. Công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện chưa thực hiện thường. Việc thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh giao chưa hoàn thành 100% hoặc chưa đảm bảo thời gian.
Ngoài ra, việc niêm yết công khai, hướng dẫn giải quyết TTHC còn chưa thuận lợi, đầy đủ, chính xác. Tỷ lệ công chức gây phiền hà, sách nhiễu thông qua phiếu khảo sát vẫn còn tồn tại. Đồng thời việc công chức gợi ý nộp thêm tiền vẫn còn tồn tại qua đánh giá của người trả lời phiếu tại một số cơ quan…
Tìm giải pháp khắc phục
Thực tế, hiệu quả triển khai các nội dung cải cách hành chính trong năm 2022 của các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có sự chững lại, tại mỗi chỉ số vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà thủ tưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá để rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp khắc phục.
Theo ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, với quan điểm “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”, các sở, ngành, địa phương phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tiếp nhận, giải quyết TTHC đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tập trung triển khai nhiệm vụ của chuyển đổi số; khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh, đảm bảo liên tục, thông suốt…
Theo đại diện Công ty CP Tâm Đức Cẩm Phả cho biết, doanh nghiệp thường xuyên phải đi đấu thầu các hợp đồng liên tục. Tuy nhiên về các TTHC, phía doanh nghiệp cảm thấy các đơn vị liên quan giải quyết rất nhanh, gọn và hiện đại hoá.
Việc giữ thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS và PAPI đã cho thấy những nỗ lực cải cách không ngừng trong nhiều năm qua của tỉnh Quảng Ninh. Để công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện và phát huy những kết quả đã đạt được thì yếu tố con người là hết sức quan trọng.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, các ngành, địa phương cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nhận diện những mặt tồn tại, hạn chế nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; triển khai triệt để Nghị quyết về chuyển đổi số để tạo ra sự thay đổi căn bản về chất lượng phục vụ.
Cũng theo ông Ký, tất cả các chỉ số PCI, PAR-INDEX, SIPAS, PAPI, DDCI được công bố là những “con số biết nói”, ẩn chứa đằng sau là các động lực thúc đẩy bởi các tác nhân thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi số, nhân lực. Nhưng tận cùng, tất cả đều hội tụ ở nhân tố con người, muôn việc thành bại là do cán bộ tốt hay kém. Cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu phải luôn kiên định, giữ bản lĩnh, nguyên tắc, tuân thủ các quy định của pháp luật, đoàn kết, thống nhất, nói đi đôi với làm, để làm tiêu chí phấn đấu theo tinh thần “5 thật - 6 dám”. Công tác cán bộ phải thực sự là "là then chốt của then chốt”.
Còn theo bà Lê Ngọc Hân - Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong thời gian tới, cùng với việc đề ra các giải pháp khắc phục những tồn tại đã được chỉ ra, còn có một nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
“Vai trò, trách nhiệm, sự vào cuộc của người đứng đầu đóng vai trò tạo sự thành - bại của chuyển đổi số ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, bởi chuyển đổi số khác với ứng dụng công nghệ thông tin. Chuyển đổi số là chuyển đổi cách làm, thay đổi cách vận hành tổ chức là chính nên người đứng đầu đóng vai trò quan trọng. Làm tốt nhiệm vụ này cũng chính là góp phần giữ vững thương hiệu “tỉnh nhiều năm liên tiếp dẫn đầu toàn quốc các chỉ số đo lường quan trọng”, bà Hân cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm