Quảng Ninh: Bàn giải pháp để các khu công nghiệp không “thiếu” điện
Quảng Ninh sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt, phối hợp cùng ngành Điện giải quyết những khó khăn khi triển khai nhiệm vụ tại địa phương, đảm bảo đủ điện cho các KCN.
>>>Quảng Ninh: Tập trung phát triển thương mại điện tử
>>>Quảng Ninh: Duy trì “lửa” cải cách, nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp
Đó là chia sẻ của ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh liên quan đến việc cấp điện cho các KCN; công tác đầu tư phát triển hệ thống điện, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Nhu cầu lớn
Theo đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 KCN được đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ. Thời gian qua, các KCN đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư thứ cấp, đến đăng ký và triển khai các dự án phát triển, mở rộng sản xuất. Hiện việc đầu tư hệ thống điện (110kV, 220kV) ngoài hàng rào để cấp cho một số KCN còn vướng mắc và chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng điện của KCN, làm ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư, xây dựng, phát triển KCN.
Thực tế, các KCN được Quảng Ninh xác định là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Đây là khu vực đóng góp tích cực, quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, giá trị công nghệ, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng…
Chỉ tính riêng trong quý I/2023, Quảng Ninh thu hút gần 500 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Quan trọng hơn, các dự án này đa phần thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Sự gia tăng nhanh chóng các nhà máy sản xuất trong các KCN đã dẫn đến nhu cầu sử dụng điện trong KCN ngày một tăng cao.
>>>Quảng Ninh: Quyết tâm trở thành điển hình trong chuyển đổi số
Theo ông Koen Soenens - Giám đốc Kinh doanh & Marketing Tổ hợp KCN DEEP C cho biết, những nhà đầu tư thứ cấp khi đến với DEEP C họ đều đặt ra 3 câu hỏi về quỹ đất, nguồn nhân lực và nguồn điện. Do vậy, phía doanh nghiệp có một hiến kế với Quảng Ninh, đó là tỉnh cần phải có phương án để cung cấp nguồn điện ổn định công suất lớn phục vụ các dự án tại DEEP C Quảng Ninh, với mong muốn Quảng Ninh tiếp tục là địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp FDI.
Còn theo ông Nguyễn Văn Nhân - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long – chủ đầu tư KCN Sông Khoai cho biết, phía công ty mong muốn được đầu tư nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió để cấp cho KCN bên cạnh việc sử dụng nguồn năng lượng truyền thống từ nguồn điện của EVN. Bởi các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại hiện rất quan tâm tới phát triển bền vững.
Thành lập tổ công tác để đảm bảo đủ điện cho các KCN
Thực tế, trong thời gian qua, ngành Công Thương nói chung, ngành Điện nói riêng đã quan tâm đầu tư các dự án điện để đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển thêm nhiều KCN. Cụ thể, theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh đang có 16 KCN bao gồm các KCN đã đi vào hoạt động, các KCN đang trong quá trình xây dựng và các KCN đang được nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư. Ngoài 16 KCN đã có, theo quy hoạch mới, tỉnh Quảng Ninh sẽ có thêm 8 KCN mới với tổng diện tích quy hoạch là 6.589,03ha. Chính vì vậy, việc đảm bảo điện có ý nghĩa rất quan trọng.
Để giải quyết vấn đề này, mới đây tại buổi làm việc giữa tỉnh Quảng Ninh với Thứ trưởng Bộ Công Thương về một số nội dung liên quan đến việc cấp điện cho các KCN; công tác đầu tư phát triển hệ thống điện, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, địa phương này đã đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên tạo điều kiện, hỗ trợ tỉnh triển khai các kế hoạch phát triển.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đề nghị trước mắt, thực hiện điều tiết phụ tải, chấp thuận chủ trương đầu tư một số đường dây đấu nối từ trạm biến áp vào các KCN; đầu tư phát triển các dự án nhà máy nhiệt điện đồng phát nhằm tận dụng nhiệt dư từ các dây truyền sản xuất xi măng, dệt nhuộm để phát điện tự dùng tại các KCN, cơ sở sản xuất công nghiệp; xem xét sớm có văn bản hướng dẫn việc đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà…
Theo ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh đã có nhiều chỉ đạo, triển khai các giải pháp đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thứ cấp triển khai các dự án đầu tư trong KCN. Quảng Ninh sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai đầu tư hạ tầng ngành Điện trên địa bàn. Đồng thời, thành lập tổ công tác đặc biệt, phối hợp, đồng hành cùng ngành Điện để tăng cường công tác thông tin, trao đổi giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ ngành Điện khi triển khai các nhiệm vụ tại Quảng Ninh.
Cũng theo ông Huy, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chủ đầu tư các KCN cùng đi đến thỏa thuận, thống nhất, triển khai các hạ tầng lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển tại các KCN.
Theo ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương, đối với các đề nghị của tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu, triển khai sớm các dự án hạ tầng lưới điện cấp cho các KCN. Đối với việc đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà, nhà máy nhiệt điện đồng phát, quan điểm của Bộ Công Thương là ủng hộ, khuyến khích cao. Về vấn đề này, đề nghị phía địa phương chủ động triển khai trên quan điểm tự sản tự tiêu, không phát lên hệ thống lưới điện quốc gia, đảm bảo công tác an toàn cháy nổ, PCCC.
Cũng theo ông Đặng Hoàng An, về phía ngành Điện cần tăng cường phối hợp, quyết tâm giải quyết dứt điểm những vường mắc, tồn tại, cùng đi đến thỏa thuận, thống nhất cụ thể, có lộ trình, thời gian rõ ràng. Trong quá trình triển khai, cần phân định rõ vai trò, trách nhiệm của từng bên liên quan, đảm bảo giải quyết nhanh nhất những thủ tục, tạo điều kiện tối đa để địa phương phát triển.
Có thể bạn quan tâm