Phát triển kinh tế biển miền Trung: Chưa xứng với tiềm năng
Là khu vực có lợi thế về biển, song miền Trung thực sự vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng vào phát triển kinh tế.
>>Startup tại miền Trung vẫn gặp khó trong việc gọi vốn
Miền Trung có bờ biển với tổng chiều dài 1665 km, kéo dài từ Thanh Hóa tới Bình Thuận, với lợi thế về biển các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đều đang tập trung phát triển kinh tế biển, tập trung phát triển khu kinh tế ven biển. Sau gần 20 năm phát triển, ở đây hiện đã có 11 khu kinh tế ven biển trong tổng số 19 của cả nước.
Vẫn trong bước đầu phát huy lợi thế
Theo đánh giá của PGS.TS Trần Thị Lan Hương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, miền Trung là nơi có điều kiện để khai thác phát triển tiềm năng kinh tế biển theo hướng tổng hợp và bền vững các ngành đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, khai thác khoáng sản biển, giao thông vận tải biển, khu công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo trên biển và phát triển du lịch biển,... Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ và Trung Bộ đã đạt được những thành tựu trong việc phát triển các ngành kinh tế biển, hình thành các khu kinh tế ven biển là động lực cho phát triển của cả vùng, mở rộng các dịch vụ logicstics để thúc đẩy sự liên kết phát triển kinh tế giữa các vùng ven biển với các vùng nội địa và với khu vực, thế giới.
Cùng với đó, du lịch biển trở thành động lực phát triển của nhiều địa phương, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản đang đưa nhiều vùng biển trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu hải sản lớn trên cả nước, đầu tư khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế biển đang được chú trọng nhiều hơn,...
“Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển ở khu vực Trung Bộ vẫn tồn tại nhiều hạn chế, thể hiện ở các khía cạnh như tiềm năng phát triển lớn nhưng quy mô phát triển kinh tế biển ở nhiều địa phương còn nhỏ, các khu công nghiệp ven biển chưa lấp đầy diện tích được quy hoạch. Đồng thời, đóng góp của kinh tế biển trong GDP của tỉnh còn thấp, liên kết phát triển còn yếu và nhiều địa phương thay vì liên kết lại có xu hướng cạnh tranh xung đột nhau trong phát triển các loại hình kinh tế biển tương đồng: nuôi biển, du lịch biển, logistics, thương mại, thu hút nhân lực... Ngoài ra, các nghề thuần biển còn nhiều dư địa phát triển nhưng chưa tháo gỡ các nút thắt về nhân lực, công nghệ và cơ sở hạ tầng, đầu tư khoa học và công nghệ cho phát triển kinh tế biển còn thiếu nguồn lực và đầu tư dàn trải,...”, PGS.TS Trần Thị Lan Hương nhìn nhận.
Nói về vấn đề thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển tại khu vực, Ths.Nguyễn Phương Thảo, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, dù tạo ra được những điểm tích cực, các nghiên cứu cũng cho thấy phát triển khu kinh tế ven biển vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế, yếu kém như chất lượng đầu tư còn thấp, liên kết trong phát triển trong và giữa các khu kinh tế ven biển còn yếu, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, chất lượng việc làm còn thấp, vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được xử lý và thực hiện tốt. “Các yếu kém hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau như chất lượng chính sách hỗ trợ, quản lý còn chưa phù hợp, thiếu vốn đầu tư hạ tầng đồng bộ, phát triển khu kinh tế ven biển vẫn mang tính cục bộ, địa phương…”, Ths. Thảo cho hay.
Nhiều yếu tố kìm nén?
Ở góc độ địa phương, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Trong thời gian qua, đã có nhiều hội thảo khoa học được tổ chức để bàn về phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển hiện nay còn nhiều vấn đề đặt ra như xung đột về lợi ích giữa kinh tế - xã hội và môi trường, giữa việc khai thác sử dụng tài nguyên và cạn kiệt nguồn tài nguyên, giữa các ngành, giữa các địa phương với phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sự đa dạng sinh học, việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định,...
Nói về những nguyên nhân khiến kinh tế biển khu vực còn khiêm tốn, PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng nhìn nhận cơ chế, chính sách phát triển các khu kinh tế ven biển dường như thiếu đột phá và đủ mạnh theo yêu cầu phát triển, cơ chế chính sách chung cho tất cả tuy đã tạo ra sự bình đẳng nhưng khá cứng nhắc, không phù hợp với tính đặc thù của các địa phương và kéo theo tình trạng phân tán, dàn trải trong đầu tư các địa phương. Ngoài ra, ông Bùi Quang Bình cũng cho rằng việc vận dụng, ban hành cơ chế chính sách của các địa phương thiếu thống nhất tùy nhận thức và khả năng vận dụng của địa phương.
“Mặc dù có sự điều chỉnh chính sách tập trung cho một số khu kinh tế ven biển có tiềm năng lớn nhưng vẫn chưa đủ sung lực thúc đẩy phát triển. Ngoài ra, tập trung hóa sản xuất vẫn chưa cao như kỳ vọng để tạo ra động lực mạnh – cực tăng trưởng cho nền kinh tế. Mức độ tập trung các yếu tố sản xuất vẫn chưa cao xét trên toàn vùng và chỉ tập trung chủ yếu ở khu kinh tế ven biển trên tất cả các khía cạnh như kết quả sản xuất, vốn đầu tư, lao động và đất đai. Trình độ công nghệ sản xuất chưa có sự vượt trội nhiều để đủ sức tạo ra sự lan tỏa với toàn bộ nền kinh tế”, PGS. TS Bùi Quang Bình nhìn nhận.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng mức độ chuyên môn hóa chưa cao giữa các khu kinh tế ven biển vẫn còn sự trùng lắp hay các ngành sản xuất giống nhau tạo ra tính thay thế và cạnh tranh lẫn nhau. Cùng với đó, việc tập trung hóa cao gắn với chuyên môn hóa sâu cho từng khu kinh tế ven biển trong khu vực cũng như trên tổng thể vùng chưa rõ nét và thiếu tầm nhìn và cơ chế điều phối chung ngay từ bước quy hoạch phát triển. Đồng thời, thiếu đi “nhạc trưởng” chỉ huy chung thực hiện,...
Có thể bạn quan tâm