Hưng Yên: Điểm đến của dòng vốn FDI
Với muc tiêu ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, hiện đại, tỉnh Hưng Yên đang dần khẳng định là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư FDI.
Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trao đổi với ông Phạm Trường Tam, Trưởng ban Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên.
- Xin ông cho biết tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hưng Yên thời gian vừa qua?
Trong thời gian qua, hoạt động xúc tiến đầu tư được tỉnh quan tâm chú trọng, qua đó kết quả thu hút đầu tư vào trong các KCN của tỉnh đạt được kết khả quan. Đến nay, trong tổng số 17 KCN đã được quy hoạch phát triển, tỉnh Hưng Yên có 11 KCN được chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng diện tích 2.873,38ha; tổng vốn đầu tư đăng ký 14.395 tỷ đồng và 397,7 triệu USD.
Cùng với hoạt động thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng KCN, hoạt động thu hút các dự án vào đầu tư sản xuất kinh doanh trong KCN cũng đạt được kết quả tích cực và có xu hướng tăng dẫn qua các năm. Từ 2020 đến nay, các KCN đã tiếp nhận được trên 2,2 tỷ USD, trong đó năm 2020 là 558 triệu USD, năm 2021 là 611 triệu USD, đặc biệt năm 2022 là 730 triệu USD (là năm thu hút vốn đầu tư vào trong các KCN lớn nhất từ trước tới nay).
Các tháng đầu năm 2023, các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn thu hút được 327 triệu USD. Tính tháng 5/2023, trong các KCN trên địa bàn tỉnh có 520 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 7,1 tỷ USD. Thu ngân sách nội địa năm 2022 đạt trên 2.800 tỷ đồng; giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên 78.000 lao động.
- Ông có thể cho biết đôi nét về chiến lược thu hút đầu tư FDI tại Hưng Yên?
Trong số các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào trong KCN đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, Nhật Bản là quốc gia đầu tư lớn nhất với 142 dự án, tổng vốn đăng ký 3.332 triệu USD, chiếm 51% về số lượng dự án và 61% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trung Quốc và các vùng lãnh thổ đứng thứ 2 với 49 dự án, tổng vốn đăng ký 728 triệu USD, chiếm 17,5% về số lượng dự án và 13,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hàn Quốc đứng thứ 3 với 52 dự án, tổng vốn đăng ký 575 triệu USD, chiếm 18,6% về số lượng dự án và 10,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; các quốc gia còn lại như (Anh, Mỹ, Ý, Hà Lan, Thái Lan…) có 37 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 787 triệu USD, chiếm 12,9% về số lượng dự án và 15% tổng vốn đầu tư nước ngoài trong các KCN.
Với chính sách thu hút đầu tư FDI hợp lý, các dự án đầu tư nước ngoài tiếp nhận vào trong KCN tập trung vào một số lĩnh vực chính như: Linh kiện thiết bị điện, điện tử, tin học, điện thoại di động; Sản xuất các sản phẩm từ thép, nhôm và các sản phẩm từ nhôm, gia công kim loại; Linh kiện phụ tùng ô tô xe máy; Chế biến thực phẩm; và các ngành sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật,...
Việc tiếp nhận các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ kỹ thuật công nghệ cao góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh. Thông qua đó làm cầu nối cho các doanh nghiệp trong nước kế thừa, tiếp cận và ứng dụng nền công nghiệp hiện đại từ các nước phát triển, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, tăng năng suất, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Công tác quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên theo hướng “KCN xanh – KCN kiểu mẫu” thời gian qua được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được quy hoạch đều có vị trí thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng, kết nối hạ tầng giao thông đối ngoại, thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nên có điều kiện phát triển nhanh. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại giải pháp kiến trúc hài hòa, thân thiện với môi trường, đáp ứng mục tiêu và yêu cầu phát triển bền vững.
Chủ đầu tư hạ tầng các KCN đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm trong quản lý hoạt động xây dựng, bảo vệ môi trường khi vận hành hoạt động, từ đó chủ động hơn trong tham gia quản lý hoạt động của các doanh nghiệp. Công tác thu hút đầu tư có chọn lọc đảm bảo đúng quy hoạch KCN và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, hạn chế tiếp nhận các dự án có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các KCN xanh tại tỉnh Hưng Yên, điển hình là KCN Thăng Long II được đánh giá là một trong các KCN được đầu tư đồng bộ hiện đại và xanh, sạch tại Việt Nam, là địa điểm hấp dẫn nhiều nhà đầu tư Nhật Bản.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm