Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP tại Đà Nẵng
Đến nay, Đà Nẵng đã có 64 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 21 sản phẩm đạt 4 sao, 42 sản phẩm đạt 3 sao và 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao để tham gia đánh giá cấp Trung ương.
>>Tăng cường sự hiện diện cho sản phẩm OCOP Quảng Nam
Theo số liệu, tại Đà Nẵng đã có 53 chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó có 30 hộ sản xuất kinh doanh, 8 hợp tác xã và 15 doanh nghiệp. Hiện tại, số lượng sản phẩm OCOP tại Đà Nẵng ít hơn so với các địa phương khác, tuy nhiên, các chủ thể đã có sự chọn lựa, thể hiện được thế mạnh, đặc trưng, đặc sản và đã có sự hỗ trợ, hoàn thiện chuẩn hóa sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm OCOP.
Qua tìm hiểu, đã có trên 90% sản phẩm đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch và hơn 60% sản phẩm có ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Cùng với đó, đã có trên 90% sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, đã có 44 sản phẩm OCOP được đưa vào các kênh phân phối tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị mini, siêu thị đặc sản, chợ,...
Thông tin từ Sở NN&PTNT Đà Nẵng, đơn vị đã tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ chương trình OCOP. Trong đó, gồm hỗ trợ chủ thể tham gia chương trình OCOP để hoàn thiện, chuẩn hóa, phát triển sản phẩm như hỗ trợ chứng nhận VietGAP và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng hồ sơ, công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ xây dựng câu chuyện sản phẩm hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, hỗ trợ trang thiết bị, máy móc nâng cao chất lượng sản phẩm,...
Cùng với đó, Đà Nẵng đã hỗ trợ xây dựng trung tâm OCOP và diểm bán sản phẩm nông nghiệp, chủ lực, đặc trưng và sản phẩm OCOP. Trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 50% kinh phí, tối đa không quá 100 triệu đồng/điểm OCOP, tối đa không quá 500 triệu đồng đối với Trung tâm OCOP cấp quận, huyện và 01 tỷ đồng đối với trung tâm OCOP cấp thành phố.
Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc NN&PTNT Đà Nẵng cho biết kết quả thực hiện Chương trình OCOP đã tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Vị này nhìn nhận mặc dù số lượng sản phẩm OCOP của Đà Nẵng ít hơn so với các địa phương khác nhưng đã chú trọng đến chất lượng sản phẩm và được tập trung chú trọng hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại.
“Các chủ thể cũng đã đẩy mạnh các kênh tiêu thụ hiện đại, tham gia các sàn thương mại điện tử và hội chợ trong nước và quốc tế nên đã tạo sự loan tỏa trong tham gia chương trình OCOP của thành phố Đà Nẵng”, ông Nguyễn Phú Ban thông tin.
Ngoài các thành quả, Chương trình OCOP của Đà Nẵng hiện nay vẫn có những khó khăn, hạn chế như số lượng sản phẩm OCOP chưa nhiều, các sản phẩm chủ yếu tập trung vào nhóm thực phẩm chế biến và rau, củ, quả hạt tươi. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng chưa có sản phẩm thuộc nhóm du lịch và thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, sản phẩm làng nghề.
Cùng với đó, số lượng sản phẩm chưa đồng đều giữa các địa phương, đến nay chỉ mới có 25/56 xã, phường có sản phẩm OCOP, chiếm 44,7% tổng số xã, phường của thành phố. Hiện tại, các sản phẩm OCOP tại Đà Nẵng còn ở quy mô nhỏ, chủ yếu là thị trường trong thành phố, chưa có sản phẩm chủ lực để hướng đến hội nhập toàn cầu
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho hay sắp tới đơn vị sẽ tổ chức một số sự kiện, hoạt động kết nối để đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi,... để tiếp cận người tiêu dùng. Đồng thời, với công tác mở rộng thị trường, Sở Công thương sẽ là đầu mối thu thập thông tin để gửi tới các đơn vị phân phối.
“Chúng tôi và các quận huyện sẽ tổ chức các điểm quảng bá sản phẩm, các điểm bán như chợ Hàn, chợ đêm Sơn Trà, đồng thời, xúc tiến nhiều chương trình quảng bá thu hút các đơn vị tham gia. Cùng với đó, Sở cũng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, xây dựng website cho doanh nghiệp có nhu cầu, vì vậy, doanh nghiệp chỉ cần liên hệ thì chúng tôi sẽ hỗ trợ”, ông Hạnh cho biết.
Để tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP, Đà Nẵng đã đặt mục tiêu có 135 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên vào năm 2025 với 56/56 xã, phường đều có sản phẩm OCOP. Đặc biệt, các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu phải có sản phẩm đạt 4 sao.
Cùng với đó, Đà Nẵng cũng sẽ phấn đấu từ 02-03 sản phẩm tiềm năng 05 sao để tham gia đánh giá, công nhận sản phẩm cấp quốc gia. Có ít nhất 03 - 05 sản phẩm OCOP là sản phẩm của làng nghề truyền thống, làng nghề nông nghiệp và từ 02 sản phẩm dịch vụ du lịch,... Song song là hình thành Trung tâm trưa bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP cấp thành phố và đẩy mạnh hình thành Điểm/Trung tâm trưng bày OCOP cấp quận/huyện, phấn đấu mỗi quận/huyện điều có ít nhất 01 điểm giới thiệu, trưng bày hoặc Trung tâm OCOP cấp quận/huyện.
Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung tổ chức sản xuất, phát triển theo 06 nhóm sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ, sản phẩm chủ lực, đặc trưng, có lợi thế ở mỗi địa phương. Cùng với đó là chú trọng đối với sản phẩm mới, chưa được chứng nhận OCOP ở các nhóm hàng thủ công mỹ nghệ và dịch vụ du lịch, điểm du lịch,...
Đặc biệt, Đà Nẵng quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, thực hiện cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Tổ chức sản xuất theo quy trình chất lượng tiên tiến, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường, hướng đến sản phẩm OCOP xanh.
Ngoài ra, địa phương cũng lên phương án xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn. Tập trung hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ vào trong quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm, nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất của cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường,...
Có thể bạn quan tâm