Thế mạnh trong phát triển khu công nghiệp ở Chí Linh
Việc hình thành KCN được xem là thế mạnh của Chí Linh, Hải Dương. Bởi đây là điểm kết nối chuỗi đô thị trong hành lang kinh tế công nghiệp liên vùng.
>>>Hải Dương: tháo gỡ khó khăn thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Thế mạnh thu hút đầu tư
Theo lãnh đạo TP Chí Linh: Công nghiệp được xem là thế mạnh của Chí Linh bởi đây là điểm kết nối chuỗi đô thị trong hành lang kinh tế công nghiệp đô thị liên vùng Bắc Ninh – Quảng Ninh. Với định hướng trở thành thành phố công nghiệp, tập trung đông đảo nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến đầu tư, sản xuất - kinh doanh, Chí Linh hiện là 1 trong 2 khu vực tập trung các khu - cụm công nghiệp lớn nhất toàn tỉnh Hải Dương. Các Khu - Cụm công nghiệp lớn có thể kể đến như: Khu công nghiệp (KCN) Cộng Hòa, cụm công nghiệp Tân Dân, Văn An,… đã và đang thu hút lượng lớn lao động và chuyên gia lớn đến làm việc và sinh sống.
Ngay từ khi còn là các dự án, Thành ủy Chí Linh đã rốt ráo chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, KCN và các cụm công nghiệp trên địa bàn Chí Linh đã dần trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp lớn.
Đến nay, tỷ lệ lấp đầy KCN Cộng Hoà đạt 63%, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp cũng đã đạt 78,9%. Toàn thành phố hiện có 508 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có 114 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp giúp giải quyết việc làm cho 15.170 lao động.
Công nhân Công ty TNHH Hàng tiêu dùng Kim Dương Việt Nam sản xuất các mặt hàng nhựa cao cấp xuất khẩu sang thị trường châu Âu và châu Mỹ (ảnh báo Hải Dương)
Để có được kết quả này, TP Chí Linh đã chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại địa phương để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đặc biệt việc thực hiện cải cách hành chính của địa phương đã có nhiều đột phá góp phần tạo niềm tin và sự đồng thuận cao của người dân và doanh nghiệp.
Một điểm nhấn trong thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp của Chí Linh chính là việc hoàn thành quy hoạch, thu hút đầu tư. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII đã xác định công tác quy hoạch là chìa khóa để thu hút, quản lý đầu tư có hiệu quả và bền vững.
Theo báo cáo của TP Chí Linh: Trong quy hoạch chung TP Chí Linh đến năm 2040, địa phương này quy hoạch 3 vùng, trong đó vùng 3 là vùng phía nam quốc lộ 18 tập trung phát triển đô thị mới, dịch vụ thương mại và công nghiệp công nghệ cao với tổng quy mô hơn 10.650 ha. Thành phố cũng quy hoạch 3 khu công nghiệp mới có tổng diện tích 815 ha và 1 cụm công nghiệp mới rộng 50 ha. Công khai danh mục thu hút đầu tư bao gồm 50 dự án, công trình thuộc các lĩnh vực, trong đó có 4 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao.
Trong nhiệm kỳ này, TP Chí Linh tập trung, vận dụng linh hoạt các nguồn lực để phát triển giao thông đối ngoại nhằm phát huy tốt hơn thế mạnh nằm trong vùng tam giác kinh tế Hải Dương – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Đó là các dự án: nâng cấp, mở rộng tuyến đường 398B đi xã Hoàng Hoa Thám kết nối với đường tỉnh 394 Quảng Ninh đi khu du lịch Tây Yên Tử (Bắc Giang); đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với huyện Yên Dũng (Bắc Giang); dự án đường dẫn và cầu Tân An kết nối với huyện Nam Sách và cầu Vạn sang thị xã Kinh Môn. Với những giải pháp này, TP Chí Linh đã đón những tín hiệu vui cho công nghiệp của địa phương.
Khu công nghiệp Cộng Hòa - Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Theo UBND TP Chí Linh: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng các năm 2021-2022 và ước năm 2023 của địa phương này đạt hơn 47.697 tỷ đồng, tăng bình quân 9,6%/năm, vượt mục tiêu đại hội đề ra là 8,8%; trong đó năm 2022 đạt hơn 15.431 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021.
Mặc dù lĩnh vực công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển kinh tế của địa phương, song Chí Linh vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ hiện đại. Tỷ suất đầu tư trên một đơn vị diện tích đất công nghiệp còn thấp.
Các doanh nghiệp trong KCN và các cụm công nghiệp xuất khẩu ra thị trường chủ yếu là các sản phẩm may mặc, vật liệu xây dựng, gia công, lắp ráp một số linh kiện điện tử giản đơn; thu nhập của công nhân chưa cao…Thành ủy Chí Linh xác định phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hiện đại, công nghiệp hỗ trợ là một trong bốn trụ cột của địa phương.
Vì vậy, trong các chính sách của mình, Chí Linh luôn coi trọng thực hiện nhiệm vụ này với nhiều giải pháp phù hợp như tập trung triển khai xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính, quản lý chặt chẽ, hiệu quả thu chi ngân sách; tăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội… tạo môi trường thông thoáng, an toàn, thuận lợi để nhà đầu tư lựa chọn.
Thành ủy Chí Linh cũng tiếp tục thực hiện đề án 04 về “Phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”...
Theo ông Nguyễn Văn Thành - Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển đô thị và KCN cao su Việt Nam: Hiện nay, giao thông chính của KCN Cộng Hòa như nút giao thông của KCN đấu nối với quốc lộ 18, hệ thống giao thông của KCN đã được hoàn thiện. Đặc biệt, Nhà máy xử lý nước thải giai đoạn I cho KCN công suất 2.000 m3/ngày đêm có mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào vận hành. Theo ông Thành: Công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng KCN sẵn sàng đón nhận các dự án vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Với định hướng trở thành thành phố công nghiệp, tập trung đông đảo nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến đầu tư, sản xuất - kinh doanh, Chí Linh hiện là 1 trong 2 khu vực tập trung các khu - cụm công nghiệp lớn nhất toàn tỉnh.
Được biết, UBND TP Chí Linh cũng đang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng các Khu- cụm công nghiệp, tăng cường xúc tiến đầu tư để sớm lấp đầy diện tích. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chính sách đất đai… nhằm tạo mặt bằng sản xuất công nghiệp. Tập trung thu hút các dự án, ngành nghề thu hút và khuyến khích đầu tư: Công nghiệp điện tử, tin học, viễn thông, thiết bị điện; công nghiệp lắp ráp ô tô, xe máy; công nghiệp cơ khí, chế tạo máy; công nghiệp sản xuất cao su, nhựa, chất dẻo...; công nghiệp dệt, may, sản xuất bao bì, chế biến gỗ; công nghiệp gốm, sứ mỹ nghệ, vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến thực phẩm, nước giải khát, chế biến nông sản; công nghiệp về hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm, công nghiệp sản xuất vật liệu với công nghệ nano. Đặc biệt, các dự án công trình thuộc các lĩnh vực đã công bố, những ngành nghề tạo ra các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước…
Có thể bạn quan tâm