Thái Bình: Cải thiện DDCI là động lực của sự phát triển

MINH HUỆ 28/06/2023 01:01

Xếp thứ hạng DDCI sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu các sở, ngành, địa phương không cải cách, khắc phục những hạn chế để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phục vụ sự phát triển của tỉnh.

>>>Thái Bình hợp tác với Hàn Quốc để phát triển các khu công nghiệp và hạ tầng công cộng

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khi nói về những nỗ lực của tỉnh Thái Bình trong việc cải thiện chỉ số DDCI thời gian qua.

Nhìn thẳng sự thật

Bộ chỉ số DDCI có 10 chỉ số thành phần để đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các sở, ngành, huyện, thành phố. Nhìn từ kết quả chấm điểm DDCI chúng ta thấy phía sau mỗi điểm số là thực tiễn phản ánh năng lực, đạo đức, thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện công vụ. Phần lớn các doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao một số sở, ngành, địa phương đã thực hiện tốt tiêu chí tính minh bạch và tiếp cận thông tin. 

mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội

Mục tiêu cuối cùng của việc cải thiện DDCI là kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội (ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Xuân Khánh - Bí thư Huyện ủy Tiền Hải: Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI) không phải chạy theo thành tích thứ hạng mà mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Năm 2022, Tiền Hải đứng cuối bảng xếp hạng DDCI khối huyện, thành phố với 62,75 điểm. Đáng chú ý, trong 10 chỉ số của DDCI, có 4 chỉ số các doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá thấp đối với Tiền Hải gồm tính minh bạch và dễ tiếp cận thông tin, chi phí thời gian, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và vai trò người đứng đầu. 

Chủ tịch UBND huyện Phạm Ngọc Kế chia sẻ: DDCI là công cụ đo lường sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự điều hành kinh tế của cấp ủy, chính quyền địa phương. Kết quả khảo sát giúp chúng tôi nhận diện được những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, đồng thời hiểu hơn về những mong muốn, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp, từ đó có giải pháp phát huy những điểm mạnh và chấn chỉnh, tháo gỡ những điểm nghẽn, bất cập.

Sản xuất tại Công ty TNHH Kỹ thuật hoạt hình First Union Việt Nam (ảnh báo Thái Bình)

Sản xuất tại Công ty TNHH Kỹ thuật hoạt hình First Union Việt Nam (ảnh báo Thái Bình)

Ngay sau khi tỉnh công bố kết quả DDCI năm 2022, UBND huyện Tiền Hải đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và đơn vị tư vấn triển khai thực hiện bộ chỉ số DDCI tổ chức phân tích, đánh giá từng chỉ số và chỉ số thành phần, chỉ ra thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục các chỉ số thấp điểm. Việc thẳng thắn đối diện với những tồn tại, hạn chế và quyết tâm đổi mới đó nhận được sự đánh giá cao của các doanh nghiệp. 

Ông Bùi Văn Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu cho biết: Chúng tôi phấn khởi khi thấy cấp ủy, chính quyền huyện Tiền Hải nhìn thẳng vào tồn tại, mạnh dạn mổ xẻ những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, đồng thời có giải pháp tháo gỡ, khắc phục để đáp ứng ngày càng tốt hơn mong muốn của người dân, doanh nghiệp, vì sự phát triển của địa phương. Điều đó tạo sự hài lòng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo tỉnh Thái BÌnh: Tỉnh triển khai thực hiện Bộ chỉ số DDCI không phải để tôn vinh hay phê bình các sở, ngành, địa phương mà để nhận diện điểm mạnh, điểm yếu của cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện công vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phục vụ sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Điểm số mà doanh nghiệp đánh giá là thước đo cho các sở, ngành, địa phương thấy rõ những hạn chế, bất cập của đơn vị mình, từ đó có giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, góp phần đưa Thái Bình vươn lên trở thành tỉnh phát triển trong khu vực như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.

Trên cơ sở phân tích từng trị số trong chỉ số thành phần chấm điểm DDCI năm 2023, đơn vị tư vấn đã chỉ ra rằng, môi trường kinh doanh của tỉnh đang thể hiện xu hướng cải thiện, có tiến bộ nhưng cũng còn những rào cản không nhỏ; khoảng cách giữa chủ trương và thực thi được rút ngắn. Các sở, ngành liên quan nhiều đến doanh nghiệp và quản lý về nguồn lực công cần phải được thay đổi mạnh mẽ hơn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người kinh doanh tạo động lực tăng trưởng mới; việc bảo đảm đối xử công bằng, tính bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp cũng cần phải cải thiện hơn.

Ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch HHDN tỉnh Thái Bình tại Hội nghị thống nhất các nội dung về triển khai đo lường Bộ chỉ số (DDCI) cấp sở, ban, ngành, huyện, thành phố (ngày 23/6/2022)

Ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch HHDN tỉnh Thái Bình tại Hội nghị thống nhất các nội dung về triển khai đo lường Bộ chỉ số (DDCI) cấp sở, ban, ngành, huyện, thành phố (ngày 23/6/2022)

Để có những giải pháp khắc phục những chỉ số thành phần bị mất điểm trong mắt doanh nghiệp. Trước hết, các sở, ngành, địa phương cần nâng cao tính năng động và tiên phong gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần sớm xây dựng quy trình, sơ đồ hóa về trình tự, thủ tục đầu tư trong và ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và áp dụng các mô hình hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Muốn nâng cao tính minh bạch, một trong những giải pháp thiết thực là các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phải nhanh chóng chuyển đổi số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Cùng với nâng cao hiệu quả đối thoại doanh nghiệp, minh bạch hóa thanh tra, kiểm tra, các sở, ngành, địa phương cần nâng cao năng lực cán bộ và cải thiện văn hóa ứng xử của cán bộ theo hướng thân thiện, phục vụ người dân, doanh nghiệp, có biện pháp xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Trong một vài năm gần đây, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các sở, ngành, địa phương đã triển khai kịp thời tới người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, người đứng đầu từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tới các sở, ngành, huyện, thành phố đã tích cực tổ chức đối thoại, lắng nghe và giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp... Những hành động thiết thực đó đã đáp ứng nguyện vọng và làm cho doanh nghiệp hài lòng.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Tiền Hải: Có thể khẳng định, cấp ủy, chính quyền huyện Tiền Hải đã có nhiều hoạt động thiết thực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và phát triển. Với chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, Tiền Hải đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng đầu tư nâng cấp, chuẩn hóa hệ thống giao thông tuyến huyện và khu vực nông thôn. Hạ tầng giao thông của huyện hoàn chỉnh, hiện đại, đồng bộ, kết nối với hệ thống đường trục Khu kinh tế Thái Bình, đường tỉnh, quốc lộ tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư và giúp người dân, DN phát triển giao thương thuận lợi. 

Ông Trần Đại Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa chia sẻ: Thời gian qua, để giúp các DN phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả và tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường: thị trường hàng hóa tiêu dùng, thị trường dịch vụ, thị trường tài chính - vốn, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường logistics và các thị trường dịch vụ khác . Hệ thống giao thông của tỉnh ngày càng mở rộng, thông suốt, hoạt động vận tải nguyên liệu, hàng hóa của doanh nghiệp thuận lợi nên chúng tôi yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ và tích cực cải cách thủ tục hành chính khiến người dân, doanh nghiệp hài lòng khi đến giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Tiền Hải (ảnh báo Thái Bình)

Thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ và tích cực cải cách thủ tục hành chính khiến người dân, doanh nghiệp hài lòng khi đến giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Tiền Hải (ảnh báo Thái Bình)

Ông Phạm Ngọc Kế - Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải chia sẻ:  Từ quan điểm “lợi ích hài hòa, khó khăn, rủi ro chia sẻ” với doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền huyện Tiền Hải luôn lắng nghe, kịp thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện duy trì hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, nắm bắt những vướng mắc, bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời chấn chỉnh, bổ khuyết nhiệm vụ, đề xuất, kiến nghị các cấp, ngành chức năng cùng tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ổn định.

DDCI là tiếng nói tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp, là quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Kết quả bảng xếp hạng DDCI đã chỉ ra những gì tồn tại, các cơ quan quản lý nhà nước nên thay đổi, chấn chỉnh để khắc phục những yếu tố gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp cũng như kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Vấn đề còn lại và cộng đồng doanh nghiệp mong chờ đó là sự tiếp thu nghiêm túc, cầu thị và quyết tâm cải cách của các sở, ngành, huyện, thành phốtrong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Có như vậy, DDCI mới trở thành động lực cho sự thay đổi môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, hiện thực hóa Thái Bình là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, là nơi doanh nghiệp đồng hành với tỉnh cùng phát triển.

MINH HUỆ