Điện Biên: “Chìa khoá” giúp huyện Tủa Chùa hiện thực hoá mục tiêu năm 2023
Ứng dụng khoa học; thu hút đầu tư; nâng cao vai trò người đứng đầu; CCHC; phát triển Chính quyền điện tử,…đang là “chìa khoá” giúp Tủa Chùa, hiện thực hoá mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2023…
Theo ông Lường Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên thì, dù nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, đặc biệt thiên tai, dịch bệnh... ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân, nhưng được sự quan tâm sát sao, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, huyện đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quan trọng hoàn thành và vượt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023…
>>>Điện Biên tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng… để “hút” nhà đầu tư
Những con số biết nói
Cụ thể, tổng diện tích cây lương thực có hạt đạt 8.258/9.193 ha (đạt 89,83% kế hoạch giao); Cây đậu đỗ các loại gieo trồng 115/143 ha (đạt 80,42% kế hoạch), năng suất đạt 15,5 tạ/ha, sản lượng đạt 178,3 tấn (đạt 75,09% kế hoạch giao);… Sản lượng chè búp tươi đạt 52 tấn, sản lượng chè thương phẩm chế biến đạt 8,67 tấn (đạt 65% kế hoạch giao); nuôi trồng thuỷ sản đạt 33,2 tấn (đạt 31,33% kế hoạch). Tổng đàn gia súc, gia cầm: 364.700 con ( đạt 97,64% kế hoạch)…
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 109,6 tỷ đồng (đạt 53,32% kế hoạch giao). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 312,6 tỷ đồng (đạt 51,95% so với kế hoạch giao). Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 370.527,383 triệu đồng.
Chia sẻ với DĐDN, ông Tuấn Anh cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng mà huyện thực hiện xuyên suốt thời gian qua là, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng khung chính quyền điện tử; đổi mới đa dạng hóa công tác tuyên truyền CCHC, chú trọng tuyên truyền việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Giữ vững, nâng dần chỉ số hài lòng của người dân, đại diện tổ chức đối với cơ quan hành chính Nhà nước.
Đổi mới đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, nhất là bổ nhiệm cán bộ theo hướng công khai, minh bạch, có tiêu chí rõ ràng với từng vị trí công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và kỷ luật hành chính.
“Huyện tiếp nhận 2.186 hồ sơ, đã giải quyết 2.175 hồ sơ, kỳ trước chuyển qua 17 hồ sơ; trong đó dịch vụ công trực tuyến toàn trình 1.885; dịch vụ công trực tuyến một phần 284 hồ sơ; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cải cách tổ chức bộ máy, cải cách công vụ; chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử; Tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết qua cổng dịch vụ công trực tuyến đạt 92,23%” ông Tuấn Anh chia sẻ.
Cùng với đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xản xuất, kinh doanh trên địa bàn, huyện luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, công khai minh bạch các TTHC, tăng cường hoạt động gặp mặt, đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nhất là trong bước thực hiện dự án đầu tư.
Đến nay, toàn huyện có 04 chi nhánh doanh nghiệp, 34 doanh nghiệp tư nhân, 12 hợp tác xã; 1.156 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm, có 01 hợp tác xã, 41 hộ kinh doanh cá thể đăng ký thành lập mới.
>>>DDCI: “Chìa khóa” giúp Điện Biên nâng cao chỉ số PCI
Hoá giải “rào cản”
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được ông Tuấn Anh thẳng thắn nhìn nhận: Huyện vẫn còn tồn tại một số hạn chế như, một số chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp chưa đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch giao; việc khai thác tiềm năng lợi thế của các địa phương chưa thực sự hiệu quả; tiến độ giải ngân một số nguồn vốn đầu tư còn chậm.
Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về đất đai tại một số địa phương còn bất cập, công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý xây dựng, tài nguyên còn chưa chặt chẽ. CCHC, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đã có tiến bộ, tuy nhiên chưa ổn định, chưa đáp ứng so với yêu cầu. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý còn chưa chặt chẽ làm giảm hiệu lực hiệu quả công tác quản lý Nhà nước…
Những nguyên nhân trên, ngoài nguyên nhân khách quan ông Tuấn Anh cho rằng, một số địa phương chưa có nhiều giải pháp cách làm hay, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp... Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và phối kết hợp trong thực hiện nhiệm vụ được UBND huyện giao của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa kịp thời, quyết liệt, hiệu quả chưa cao; việc nắm bắt và xử lý các thông tin tại cơ sở chưa kịp thời.
Công tác CCHC ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu sự quyết liệt của người đứng đầu. Việc triển khai thực hiện CCHC chưa có nhiều giải pháp tập trung, quyết liệt; nhiệm vụ đề ra nhiều nhưng chưa thực sự gắn với các biện pháp và điều kiện bảo đảm cần thiết; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn gặp nhiều khó khăn chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Theo đó, để hiện thực hoá mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2023, ông Tuấn Anh cho hay, huyện đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng khắc phục "rào cản", trong đó huyện sẽ tập trung tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở để phối hợp với các xã, thị trấn chỉ đạo sản xuất, khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất; triển khai hiệu quả các dự án phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, huyện tăng cường kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, khuyến khích phát triển các hình thức sản xuất có sự liên kết đảm bảo khâu sản xuất đến tiêu thụ nhằm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; nghiên cứu phát triển một số loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện.
Đẩy mạnh chuyển đổi phương thức nuôi trồng thủy sản thâm canh, nuôi cá lồng bè có giá trị kinh tế cao tại các khu vực có điều kiện phù hợp; phát triển các hợp tác xã, các mô hình kinh tế tập thể, mô hình trang trại trong sản xuất thủ công nghiệp và nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường, trao đổi hàng hóa, nâng cao giá trị của sản phẩm…
Thúc đẩy phát triển sản xuất vật liệu xây dựng; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp tiếp cận các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những công trình thật sự cấp bách, nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư; quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư, theo dõi sát tiến độ triển khai, chất lượng công trình các dự án để điều chỉnh kịp thời, đúng quy định.
Mặt khác, huyện khuyến khích đầu tư và hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng thương mại tại khu đô thị; tạo điều kiện để phát triển mở rộng mạng lưới kinh doanh thương mại theo quy mô hộ kinh doanh cá thể để tạo điều kiện phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa…
Quảng bá các sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu của huyện đến các thị trường trong và ngoài tỉnh… Tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra việc khai thác khoáng sản sau cấp phép; quản lý chặt chẽ và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; kiên quyết xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ hàng năm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Tiếp tục nâng cao nhận thức, coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về CCHC. Nâng cao vai trò của cơ quan thường trực tham mưu cho UBND huyện trong công tác điều phối chung, tổng hợp, đôn đốc và theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC.
“Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá quá trình triển khai thực hiện công tác CCHC. Nâng cao năng lực của đội ngũ công chức làm công tác CCHC. Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số triển khai đồng bộ trên địa bàn huyện Tủa Chùa; đảm bảo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bưu chính công ích” ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Điện Biên tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng… để “hút” nhà đầu tư
03:00, 28/06/2023
Huyện Mường Nhé (Điện Biên): Đổi thay từ những công trình hạ tầng
09:45, 21/06/2023
DDCI: “Chìa khóa” giúp Điện Biên nâng cao chỉ số PCI
02:30, 29/05/2023
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tri ân tại Điện Biên
22:52, 18/05/2023
Xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên: Vừa là trách nhiệm vừa là tri ân
12:33, 13/05/2023