Nam Định: “Kích cầu” thu hút đầu tư ngoài ngân sách
Trong bối cảnh đầu tư công ngày càng hạn hẹp, tỉnh Nam Định hướng mũi nhọn thu hút đầu tư từ khu vực ngoài ngân sách, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
>>>Nam Định: Phát triển công nghệ cao song hành bảo vệ môi trường
Khơi thông nguồn lực
Trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp mà yêu cầu đầu tư lớn để tăng sức cạnh tranh, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” là một trong những giải pháp hiệu quả thời gian qua được tỉnh Nam Định thực hiện nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Theo tỉnh Nam Định: Giai đoạn 2016 đến nay nguồn vốn đầu tư công được phân bổ cho những dự án động lực, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, đã giúp gia tăng tính kết nối, liên thông với các vùng kinh tế trọng điểm, sân bay, cảng biển. Sự phát triển đột phá về giao thông có tính chất kích thích, khơi thông nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế khác vào đa dạng các lĩnh vực.
Từ đầu năm 2023 đến nay, sức thu hút đầu tư của tỉnh được ghi dấu mạnh mẽ bởi một số dự án lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài như: Công ty TNHH Công nghiệp Sinte Nam Định đầu tư xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất điện tử, đồ chơi, gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại công nghệ cao phục vụ xuất khẩu tại xã Đồng Sơn (Nam Trực).
Tập đoàn JiaWei và các doanh nghiệp phụ trợ của Tập đoàn đã quyết định đầu tư nhóm 3 dự án chuyên sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao từ vật liệu mới, thân thiện môi trường tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận với tổng số vốn dự kiến khoảng 100 triệu USD.
Tập đoàn Quanta Computer Inc đầu tư dự án Công ty TNHH QMH Computer sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính với công suất thiết kế dự kiến 4,5 triệu máy tính/năm tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận...
Theo phương án tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của tỉnh giai đoạn 2020-2050, tỉnh xác định tổng mức đầu tư các dự án ưu tiên khoảng 681.320 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2020-2025 khoảng 54.690 tỷ đồng, giai đoạn 2025-2030 khoảng 107.010 tỷ đồng và khoảng 519.620 tỷ đồng trong giai đoạn 2030-2050.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, cần thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước vào các dự án phát triển trọng điểm với tốc độ nhanh hơn và hiệu quả cao hơn so với những kết quả tỉnh đã đạt được trong giai đoạn vừa qua. Vì vậy, phương thức “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” tiếp tục được tỉnh xác định cần duy trì và phát huy.
Theo đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh sẽ tập trung đầu tư các công trình lớn, quan trọng của tỉnh, không đầu tư dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất như: Giao thông, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cum công nghiệp, các dự án thoát nước, xử lý môi trường, các công trình thủy lợi…
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để thu hút tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, tỉnh đặc biệt chú trọng thiết lập các lợi thế trong việc thu hút nguồn đầu tư. Cụ thể, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, các khu dịch vụ phục vụ công nghiệp..., chuẩn bị tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh, như địa điểm, phối hợp thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, đào tạo nhân lực...
Hoàn thành bộ tiêu chí về đầu tư nhằm tận dụng tối đa lợi thế của địa phương, thu hút các dự án phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025. Triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; phát huy vai trò của Ban chỉ đạo hỗ trợ đầu tư và phát triển doanh nghiệp và Tổ công tác trực tiếp giúp Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhận và xử lý thông tin nhằm xử lý kịp thời, nghiêm túc mọi phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư, góp phần tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng hình ảnh, thương hiệu của tỉnh; tổ chức xúc tiến quảng bá các điểm đến hấp dẫn, điều kiện hạ tầng và yếu tố con người Nam Định... với các bạn bè, doanh nghiệp trong và ngoài nước; tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút làn sóng đầu tư mới.
Trải thảm đỏ...
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định, năm 2022 nhiều dự án ngoài ngân sách, trong đó có những dự án quy mô lớn, tầm nhìn dài hạn liên tục “đổ bộ” vào tỉnh. Cùng với đó, hàng loạt các nhà đầu tư đã, đang tiếp tục bày tỏ nguyện vọng được nghiên cứu, phát triển các dự án tại tỉnh trong tương lai gần. Cụ thể, lệ vốn thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đạt bình quân khoảng 220 triệu USD.
Theo báo cáo của UBND Tỉnh Nam Định, đã có 17 Quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư. Dẫn đầu là Hàn Quốc với 29 dự án, kế đến là Hồng Kong với 16 dự án. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn đến từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang có nhu cầu đầu tư vào các KCN tại Nam Định. Đến nay, các KCN tại tỉnh này đã thu hút được 175 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 7.412 tỷ đồng và 775,2 triệu USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị đã và đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường bất động sản công nghiệp, nhất là khi dòng vốn FDI vào Nam Định vẫn chuyển động theo chiều hướng tăng tích cực.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Nam Định: Để tăng sức hút với các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, Ban đã phối hợp với các sở, ngành địa phương trong Tỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về đầu tư tại các KCN, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Luôn đồng hành và ủng hộ tối đa để các nhà đầu tư thuận lợi từ bước tìm hiểu đầu tư, đăng ký đầu tư, đăng ký nhu cầu sử dụng lao động, cấp phép xây dựng đến khi dự án đi vào hoạt động.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Ban luôn cam kết và thực hiện giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, 100% thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn, nhiều thủ tục được cung cấp ở mức độ 4, nghĩa là nhà đầu tư có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến, giảm thiểu thời gian và chi phí cho nhà đầu tư. Đơn cử như quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án sản xuất máy tính của Tập đoàn Quanta Computer Inc, vốn đầu tư 120 triệu USD được thực hiện, hoàn tất chỉ trong 1,5 ngày, kéo dài khoảng 36 giờ và chỉ sau 15 ngày ký thỏa thuận phát triển dự án.
Theo tỉnh Nam Định, ngoài những biện pháp đảm bảo các thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ cho các nhà đầu tư, tỉnh đang tập trung hoàn thành một số dự án, công trình động lực, trọng điểm, như: Xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2). Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển; xây dựng nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định.
Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Bảo Minh mở rộng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Thuận; dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN Yên Bằng. Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN Thanh Côi... Đây là những dự án sẽ tạo ra nhiều không gian phát triển mới, có tính chất liên kết vùng cũng như khu vực, được tỉnh kỳ vọng là “thỏi nam châm” thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư lớn từ các thành phần kinh tế tư nhân vào địa bàn tỉnh trong năm 2023 cũng như cho cả quá trình sau này.
Có thể bạn quan tâm