Điện Biên đa dạng hóa các loại hình, ngành nghề đào tạo
Trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ thời gian qua, ngoài việc tiêp tục đẩy mạnh CCHC,… đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, Điện Biên còn thực nhiều chính sách nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp…
>>Điện Biên tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng… để “hút” nhà đầu tư
Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Liên đoàn TM&CN Việt Nam (VCCI), chỉ số Đào tạo lao động năm 2022 của tỉnh Điện Biên chỉ đạt 4,54 điểm, giảm 0,84 điểm so với năm 2021, giảm 13 bậc so với năm 2021. Lý giải trước sự tụt giảm của chỉ số Đào tạo lao động, ông nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên cho rằng: Các nhà đầu tư, các đơn vị thi công trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động, đặc biệt sau đại dịch Covid – 19 là một trong những nguyên nhân dẫn đến “khan hiếm” nguồn cung lao động…
“Bắt mạch” hạn chế
Thực tế, qua đánh giá, phân tích kết quả thực hiện các chỉ số thành phần PCI năm 2022, Điện Biên đã thẳng thắn nhìn nhận những yếu tố khách quan, chủ quan, đồng thời đặt ra mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để nâng cao PCI năm 2023. Theo đó, chỉ số Đào tạo lao động Điện Biên “khiêm tốn” phấn đấu vị trí xếp hạng thứ 46 năm 2023.
Về dài hạn, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Điện Biên sẽ phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề.
Mục tiêu của Điện Biên hướng tới là nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình, ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế theo Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV.
Theo đó, đến năm 2030 Điện Biên thu hút khoảng 50% học sinh trung học trên địa bàn tỉnh vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại và đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động, trong đó: Phấn đấu 50% lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, trên 80% lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn sau khi học nghề.
>>Điện Biên: “Chìa khoá” giúp huyện Tủa Chùa hiện thực hoá mục tiêu năm 2023
>>DDCI: “Chìa khóa” giúp Điện Biên nâng cao chỉ số PCI
Cùng với đó, Điện Biên có ít nhất 70% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia.
“Phấn đấu thành lập trường Đại học Điện Biên để đào tạo hệ cao đẳng, đại học đối với 20 ngành, nghề trọng điểm cấp quốc gia để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lộ trình mục tiêu đến năm 2045, chất lượng nguồn nhân lực của Điện Biên cơ bản tiếp cận, đáp ứng yêu cầu về kỹ năng nghề cao của các nước ASEAN-4” - ông Sơn cho hay.
Qua báo báo của Sở LĐTB&XH tỉnh Điện Biên cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, Điện Biên giải quyết việc làm mới cho khoảng 5.835 lao động, đạt 64,12% kế hoạch, trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản: 2.099 lao động; Công nghiệp - xây dựng: 2.315 lao động; Dịch vụ - thương mại: 1.300 lao động); Thông qua Quỹ quốc gia về việc làm là 1486 lao động; cung ứng lao động cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh khoảng 2.239 lao động; Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác và tự tạo việc làm là 1.989 lao động…
Toàn tỉnh tuyển mới đào tạo nghề cho 4.680 người; chia theo cấp trình độ: Trung cấp: 70 người; Sơ cấp: 2.805 người và đào tạo dưới 3 tháng: 1.805 người đạt 56,39% kế hoạch UBND tỉnh giao; tăng 40,92% so với cùng kỳ năm 2022. Học viên tốt nghiệp: 2.120 người (cao đẳng: 79 người, trung cấp: 65 người, sơ cấp: 1.280 người, đào tạo dưới 3 tháng: 521 người).
Tạo việc làm bền vững, tăng thu nhập cho người lao động
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, của các hộ gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Mùa A Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ tỉnh Điện Biên nhìn nhận: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Điện Biên trong thời gian tới là thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách của địa phương liên quan đến công tác giáo dục nghề nghiệp; cùng với đó, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật Nhà nước liên quan đến công tác giáo dục nghề nghiệp, gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, thích ứng và hội nhập quốc tế.
Kịp thời triển khai đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho người lao động từ các Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh.
Mặt khác, Điện Biên tăng cường hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia các loại hình đào tạo giáo dục nghề nghiệp; thực hiện vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh... Khuyến khích học sinh khá, giỏi tham gia các loại hình đào tạo giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ-TU ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ưu tiên việc đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế trong xã hội bằng các hình thức hỗ trợ phù hợp, đúng quy định. Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới.
Song song đó, xác định quy hoạch quỹ đất giành cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia. Nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp.
Cũng theo ông Mùa A Sơn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, tăng thời gian đào tạo, thực hành cho người học. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho thực hành tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến sử dụng lao động sau đào tạo. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung - cầu lao động với giáo dục nghề nghiệp…
Đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm “học đi đôi với hành”; nâng cấp và chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, người dạy nghề, chuyên gia cho các ngành, nghề trọng điểm; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao…
Đẩy mạnh xã hội hóa, nghiên cứu hình thức hợp tác công - tư nhằm huy động hiệu quả nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực, địa bàn mà khu vực ngoài công lập có thể tham gia. Thúc đẩy liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp như xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, thực hành, thực tập, tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới... Bảo đảm chính sách bình đẳng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập.
Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, chuyên gia, nhà giáo, người học với các nước theo Đề án hợp tác giữa tỉnh Điện Biên với các địa phương nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Vương quốc Thái Lan...
“Tiếp thu kinh nghiệm trong nước và quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, công nghệ mới trong giáo dục nghề nghiệp…Đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh với các trường đại học, các tổ chức, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước và nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo nghề của tỉnh" - ông Mùa A Sơn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Điện Biên: “Chìa khoá” giúp huyện Tủa Chùa hiện thực hoá mục tiêu năm 2023
04:52, 03/07/2023
Điện Biên tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng… để “hút” nhà đầu tư
03:00, 28/06/2023
Huyện Mường Nhé (Điện Biên): Đổi thay từ những công trình hạ tầng
09:45, 21/06/2023
DDCI: “Chìa khóa” giúp Điện Biên nâng cao chỉ số PCI
02:30, 29/05/2023
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tri ân tại Điện Biên
22:52, 18/05/2023