Quảng Nam hướng tới top 20 PCI

TUẤN VỸ 08/07/2023 11:38

Trong năm 2023, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu lọt vào top 20 cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Để làm được việc này, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

PCI năm 2022 của Quảng Nam lọt vào top 30, tăng điểm (từ 66,24 điểm lên 66,62 điểm), nhưng tụt 3 bậc (từ 19 xuống 22) so năm 2021.

>>Quảng Nam: Nhiều chương trình khuyến mãi cho mùa cao điểm du lịch

 Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì buổi họp Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2023 và thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì buổi họp Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2023 và thời gian tới.

Những con số khó khăn

So sánh với năm 2021, Quảng Nam có 04/10 chỉ số thành phần tăng điểm - tăng hạng gồm tính minh bạch, tính năng động, tiếp cận đất đai, gia nhập thị trường. Có 05/10 chỉ số thành phần giảm điểm - giảm hạng là đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (ANTT).

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, chỉ có 44% doanh nghiệp cho rằng “Chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định và nhất quán”, tỷ lệ không thay đổi so với năm 2021 (trung vị cả nước 50%). Đồng thời, có 61% doanh nghiệp nhận định “chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, giảm 8% so với năm 2021 (trung vị cả nước 50%).

Đặc biệt, có 54% doanh nghiệp nhận định “các Sở ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh”, giảm 1% so với năm 2021 (trung vị cả nước 45%). Giảm tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng “UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi” từ 93% năm 2021 giảm còn 83% năm 2022.

Về thủ tục hành chính tại thủ tục đất đai, có 71% doanh nghiệp phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, tăng 4% so với năm 2021 (trung vị cả nước 43%). Số ngày chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại Quảng Nam là 41,31 ngày, tăng 22,56 ngày so với năm 2021 (trung vị cả nước 30 ngày).

Ngoài ra còn có 81% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến, tăng 16% so với năm 2021 (trung vị cả nước 72%). Về công tác thanh tra – kiểm tra, doanh nghiệp vẫn còn phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh – kiểm tra. Tỷ lệ doanh nghiệp nhận thấy cán bộ thanh, kiểm tra lợi dụng thực thi công vụ nhũng nhiễu doanh nghiệp cũng tăng 7% năm 2021 tăng lên 9% năm 2022 (trung vị cả nước 10%), 57% các doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức, tăng 16% so với năm 2021.

Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Nam nhận định: Kết quả chỉ số PCI 2022 tỉnh Quảng Nam không đạt yêu cầu đề ra của UBND tỉnh. Theo đó Sở KH&ĐT nhận thấy, việc cải thiện các chỉ tiêu, chỉ số thành phần PCI là trách nhiệm chung của Sở, Ban, ngành và địa phương nhưng chỉ có một vài đơn vị, địa phương quan tâm đến việc cải thiện chỉ số PCI như việc báo cáo kết quả 01 năm thực hiện Kế hoạch số 6007/KH-UBND ngày 15/9/2023 về cải thiện Chỉ số PCI 2022 cũng chỉ có 15/41 đơn vị gửi báo cáo.

>>Quảng Nam làm gì để xứng tầm là vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo?

Cải thiện chỉ số PCI thế nào?

Để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện thực chất chỉ số PCI trong thời gian đến, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo yêu cầu các Sở, ngành và địa phương nghiên cứu Báo cáo kết quả chỉ số PCI 2022 tỉnh Quảng Nam và cơ sở dữ liệu kết quả 10 chỉ số thành phần PCI 2022, đề xuất giải pháp cải thiện đối với từng chỉ tiêu, chỉ số thành phần liên quan đến lĩnh vực phụ trách của từng cơ quan, đơn vị.

UBND tỉnh cho chủ trương tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá chỉ số PCI 2022 tỉnh Quảng Nam và đề xuất giải pháp cải thiện PCI năm 2023. Đồng thời thống nhất cho Sở Kế hoạch và Đầu tư mời Lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chuyên gia về PCI trong nước tham gia trình bày, báo cáo phân tích, đánh giá chỉ số PCI 2022 và chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp cải thiện chỉ số PCI cho tỉnh Quảng Nam trong những năm tiếp theo.

Ở góc độ địa phương, tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành kế hoạch cải thiện chỉ số PCI năm 2023 với mục tiêu lọt top 20. Tại văn bản do ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, cần ưu tiên giải quyết ngay các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến doanh nghiệp như khai trình việc sử dụng lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội cho người lao động, Giấy chứng nhận đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp, thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp...

>>Quảng Nam: Kiến nghị chấm dứt hoạt động dự án Bách Đạt An

“Không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức, chủ động đề xuất cắt giảm TTHC, cắt giảm thành phần hồ sơ không cần thiết, còn chồng chéo và không hợp lý”, ông Hồ Quang Bửu ký nêu rõ.

Ông Trần Quốc Bảo, Ủy viên Ban chấp hành VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đề xuất cần cải thiện các chỉ số liên quan đế Đào tạo lao động - Cạnh tranh bình đẳng - Chi phí không chính thức - Dịch vụ hổ trợ doanh nghiệp - Chi phí thời gian - Thiết chế pháp lý. Theo ông Bảo, trong bối cảnh hiện tại kinh tế đang khó khăn, doanh nghiệp càng khó nên ảnh hưởng tới các chỉ số này rất nhiều.

“Muốn cải thiện các chỉ số nêu trên, Quảng Nam cần hướng về doanh nghiệp để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặt biệt, trong bối cảnh khó khăn toàn cầu Quảng Nam dựa chính vào doanh nghiệp cơ khí sản xuất ô tô. Bên cạnh đó, phải tập trung tháo gỡ cho 3 nhóm ngành chính đang bị tác động rất lớn đến nguồn lực và nguồn lao động là xây dựng, kinh doanh bất động sản và du lịch”, ông Trần Quốc Bảo đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Nam xây dựng tuyến đường sắt đô thị Chu Lai - Đà Nẵng để phát triển kinh tế

    Quảng Nam xây dựng tuyến đường sắt đô thị Chu Lai - Đà Nẵng để phát triển kinh tế

    01:53, 05/07/2023

  • TP Hội An (Quảng Nam): Tìm mọi biện pháp để bảo vệ vùng sinh cảnh nổi tiếng thế giới

    TP Hội An (Quảng Nam): Tìm mọi biện pháp để bảo vệ vùng sinh cảnh nổi tiếng thế giới

    02:00, 02/07/2023

  • Quảng Nam và câu chuyện khôi phục cổ phần vốn nhà nước liệu có thành công?

    Quảng Nam và câu chuyện khôi phục cổ phần vốn nhà nước liệu có thành công?

    13:18, 29/06/2023

TUẤN VỸ