DDCI - Động lực giúp Vĩnh Phúc nâng cao Chỉ số PCI

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG 10/07/2023 08:08

Việc đánh giá DDCI góp phần nhận diện rõ những “nút thắt” trong chất lượng điều hành kinh tế tại các sở, ngành, địa phương, từ đó có giải pháp cải thiện chỉ số PCI.

>>>VCCI hỗ trợ Vĩnh Phúc cải thiện môi trường đầu tư

Đây là phần thưởng lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc để từ đó cấp ủy, chính quyền tỉnh càng phải nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc Vĩnh Phúc khảo sát, đánh giá DDCI thường niên đối với các sở, ngành và địa phương và 3 năm công bố Bộ chỉ số này cho thấy những kết quả rất tích cực, được các đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã ghi nhận; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Vĩnh Phúc trong những quãng đường tiếp theo. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, tỉnh triển khai thực hiện Bộ chỉ số DDCI không phải để tôn vinh hay phê bình các sở, ngành, địa phương mà để nhận diện điểm mạnh, điểm yếu của cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện công vụ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phục vụ sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

Điểm số mà doanh nghiệp đánh giá là thước đo cho các sở, ngành, địa phương thấy rõ những hạn chế, bất cập của đơn vị mình, từ đó có giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, trên cơ sở phân tích từng trị số trong chỉ số thành phần chấm điểm DDCI, cho thấy môi trường kinh doanh của tỉnh Vĩnh Phúc đang thể hiện xu hướng cải thiện, có tiến bộ nhưng cũng còn những rào cản; khoảng cách giữa chủ trương và thực thi đã được rút ngắn. Điều đó đồng nghĩa với việc, các sở, ngành liên quan nhiều đến doanh nghiệp cần phải được thay đổi mạnh mẽ hơn để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; đảm bảo đối xử công bằng, bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế. 

Theo bà Thủy, dựa vào những điểm hạn chế mà DDCI đã chỉ ra, các sở, ngành, địa phương cần nâng cao tính năng động và tiên phong gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Cùng với đó, muốn nâng cao tính minh bạch, một trong những giải pháp thiết thực là các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phải nhanh chóng chuyển đổi số, thực hiện đồng bộ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Cùng với nâng cao hiệu quả đối thoại doanh nghiệp, minh bạch hóa thanh tra, kiểm tra, các sở, ngành, địa phương cần nâng cao năng lực cán bộ và cải thiện văn hóa ứng xử của cán bộ theo hướng thân thiện, phục vụ người dân, doanh nghiệp, có biện pháp xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm.

DDCI là tiếng nói tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp, là quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Kết quả bảng xếp hạng DDCI đã chỉ ra những gì tồn tại, các cơ quan quản lý nhà nước nên thay đổi, chấn chỉnh để khắc phục những yếu tố gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp cũng như kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vấn đề còn lại và cộng đồng doanh nghiệp mong chờ đó là sự tiếp thu nghiêm túc, cầu thị và quyết tâm cải cách của các sở, ngành, huyện, thành phố; không để xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Có như vậy, DDCI mới trở thành động lực cho sự thay đổi môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, hiện thực hóa Vĩnh Phúc là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, là nơi doanh nghiệp đồng hành với tỉnh cùng phát triển.

Cải cách không có điểm dừng 

Như đã nêu, để trở thành chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp, việc trước tiên cần làm là cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều sáng kiến, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để thúc đẩy công tác này.

Ông Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Vĩnh Phúc cho hay, so với trước kia, thủ tục hành chính của tỉnh đã được đơn giản hóa, thời gian giải quyết được rút ngắn khá nhiều. Qua cải cách đã tạo thuận lợi cho tổ chức và công dân thực hiện giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước có nhiều cải thiện tích cực. Với phương châm phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện tốt các cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư của tỉnh, Vĩnh Phúc luôn là địa phương đạt thứ hạng cao đối với các Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS).

Đặc biệt, Vĩnh Phúc đã có nhiều sáng kiến, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính như áp dụng phần mềm Zalo trong việc tra cứu, thông báo tình trạng giải quyết và kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Phối hợp với Bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc kết nối liên thông giữa phần mềm "Một cửa hành chính công” và phần mềm chuyển phát nhanh (EMS) để thực hiện tiếp nhận và đăng ký dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Chuyển kinh phí thi đua khen thưởng đối với tập thể và cá nhân được khen thưởng qua tài khoản. Cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thi đua khen thưởng từ 25 ngày xuống còn 12 ngày, giảm 13 ngày so với quy định của Trung ương...

Người dân thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc

Người dân thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc

Để hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, công dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đặc biệt, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ngành, địa phương đã và đang được thực hiện tốt.

Cơ hội tự soi lại mình

Theo bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, DDCI được thực hiện với phương pháp nghiên cứu và triển khai khoa học, trên cơ sở khảo sát, thu thập phiếu ý kiến cảm nhận của doanh nghiệp về năng lực điều hành của các sở, ngành và địa phương. Do đó, công bố DDCI sẽ giúp cho lãnh đạo sở ngành và cơ sở nhìn lại mình, soi rọi lại kết quả điều hành cũng như sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với đơn vị mình. Từ đó, cải thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính và tinh thần, thái độ của các cấp chính quyền nhằm nâng cao chất lượng điều hành, góp phần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thông thoáng, thuận lợi và minh bạch.

Ông Hà Đình Nhã, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để đảm bảo hỗ trợ nhanh nhất các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư vào khu công nghiệp, Ban thường xuyên rà soát, điều chỉnh, cắt giảm, bổ sung bộ thủ tục hành chính nhằm đảm bảo hiệu quả công việc và tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 cũng giúp hạn chế tối đa các loại chi phí phát sinh trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

KCN Bá Thiện II Vĩnh Phúc

KCN Bá Thiện II Vĩnh Phúc

Kết quả DDCI Vĩnh Phúc năm 2021 khối sở, ban, ngành cho thấy, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 26/28 với 62,53 điểm. Đây là vị trí thấp, thể hiện những mặt hạn chế, khuyết điểm mà Ban cần phải được khắc phục, cải thiện hơn trong các năm tiếp theo, ông Nhã chia sẻ.

DDCI rất quan trọng đối với thứ hạng PCI của Vĩnh Phúc, nếu DDCI cải thiện thực chất thì PCI sẽ được tăng lên. Khẳng định kết quả DDCI là cơ hội để các sở, ngành, địa phương tự “soi” lại mình, cái gì chưa tốt thì phải nghiêm túc nhìn nhận để cải thiện, khắc phục. Phải xem khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của chính quyền, thành công của doanh nghiệp là thành công của địa phương, như vậy mới thực sự bứt phá, vươn lên.

Đề cập về tính chủ động “trao quyền” đánh giá chất lượng điều hành cho cộng đồng doanh nghiệp đối với bộ máy chính quyền cấp cơ sở, ông Trịnh Việt Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc nhận định: “Việc triển khai thực hiện Bộ chỉ số DDCI cho thấy tỉnh rất coi trọng vai trò, tiếng nói và những đóng góp của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua kênh này, chúng tôi có thể góp ý một cách toàn diện, thẳng thắn về thực trạng điều hành kinh tế của các cơ quan quản lý nhà nước. Hàng năm, các địa phương vẫn tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp để chúng tôi có thể phản ánh, kiến nghị những vấn đề còn tồn tại liên quan đến các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh”.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành dự Lễ khởi công khu công nghiệp Sông Lô II do công ty CP Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành dự Lễ khởi công khu công nghiệp Sông Lô II do công ty CP Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ CNC cho rằng, việc khảo sát DDCI được triển khai công bằng và bảo mật, không đơn vị nào có thể can thiệp vào kết quả khảo sát. Vì vậy, bảng đánh giá, xếp hạng DDCI được coi là công cụ “đo lường” giúp các sở, ngành và địa phương “điểm danh” những tồn tại, hạn chế khiến người dân và doanh nghiệp chưa hài lòng, từ đó đề ra phương hướng khắc phục kịp thời.

“DDCI là diễn đàn thông tin chính thống để người dân, doanh nghiệp nói lên tiếng nói thẳng thắn của mình và phản ánh đúng thực trạng điều hành kinh tế của các cơ quan quản lý nhà nước. Chính điều này làm cho doanh nghiệp phấn khởi, tin tưởng, mạnh dạn tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương, các sở, ngành và yên tâm đầu tư phát triển trong tương lai”, ông Hùng chia sẻ thêm.

Số liệu từ Sở KHĐT Vĩnh Phúc, 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh đã thu hút đầu tư đạt gần 360 triệu USD vốn đầu tư FDI, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 60,5% và đạt 89,9% kế hoạch.

Cùng thời điểm, đã có một số dự án đầu tư lớn hoàn thành, đi vào hoạt động như: Dự án công nghiệp TYC Việt Nam với tổng vốn đầu tư 5 triệu USD; nhà máy Enplas Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Uni-Calsonic Việt Nam với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD...

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG