Tuyên Quang: Bàn giải pháp nâng cao Chỉ số PCI

THÙY LINH 10/07/2023 15:40

Cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao Chỉ số PCI, Tuyên Quang tiếp tục tập trung hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 10/7, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Tuyên Quang đã họp bàn giải pháp nâng cao Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (Par Index) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

>> Tuyên Quang chuyển từ tư duy "cấp phép" sang "phục vụ"

Năm 2022, Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Tuyên Quang đạt 85,34%, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố, tăng 02 bậc và giảm 1,23% so với năm 2021. Trong đó, Có 04 chỉ số thành phần xếp ở vị trí cao so với các tỉnh, thành phố; 04 chỉ số thành phần tăng vị trí thứ tự so với năm 2021; có 05 sáng kiến, giải pháp mới trong công tác CCHC được Bộ Nội vụ công nhận.

Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang chủ trì cuộc họp.

Chỉ số CCHC năm 2022 của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND tỉnh: Sở Tư pháp đứng đầu với 94,49%; Sở Giáo dục và Đào tạo đứng thứ hai với 92,28%; Sở Y tế đứng cuối với 77,63%. Đối với UBND cấp huyện, UBND thành phố Tuyên Quang đứng đầu với 82,96%; UBND huyện Chiêm Hóa đứng cuối với 74,29%.

Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) cấp tỉnh đạt 81,72%, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố và tăng 20 bậc so với năm 2021.

Qua đánh giá của Bộ tiêu chí cho thấy, việc thực hiện công tác CCHC của tỉnh còn một số hạn chế, đó cũng là hạn chế đã được phát hiện qua kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị trong năm 2022.

Những nguyên nhân được xác định do cơ quan, đơn vị chưa sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC, nhất là cải cách thủ tục hành chính; tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của một bộ phận công chức, viên chức còn hạn chế; chưa tích cực, chủ động hướng dẫn người dân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến...

Mục tiêu của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo phải tăng cường nhận thức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong triển khai thực hiện công tác CCHC trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao điểm số của các chỉ số thành phần của  Chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính.

Về kế hoạch nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu PCI của tỉnh tăng từ 8 bậc trở lên trong bảng xếp hạng PCI của cả nước, nằm trong các tỉnh có điểm số khá.

Tuyên Quang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo tất cả 10 chỉ số thành phần PCI năm 2023 của tỉnh phải có sự cải thiện so với năm 2022. Trong đó, tập trung triển khai các giải pháp cụ thể đối với các chỉ số bị giảm điểm như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai…

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, vướng mắc hiện nay trong thực hiện CCHC trên địa bàn tỉnh, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục. Các ý kiến tập trung vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng chuyển đổi số cần có bài bản hơn; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu các ngành, chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể vào từng lĩnh vực; phải cập nhật thay đổi và công khai kịp thời trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục thực hiện “4 tại chỗ”, “5 tại chỗ” tại các trung tâm dịch vụ hành chính công; sử dụng các dịch vụ trả kết quả thủ tục hành chính, cắt giảm được thời gian cho người dân, doanh nghiệp; linh hoạt thực hiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể…

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh: Những việc nằm trong quy định có khả năng giải quyết được, các sở, ngành, địa phương phải nhanh chóng thực hiện kịp thời. Tổ chức quán triệt các công điện của Thủ tướng Chính phủ về rà soát và xử lý kịp thời các phản ánh của doanh nghiệp, người dân về các hành vi nhũng nhiễu trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Tỉnh cũng công khai các thủ tục, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời đẩy mạnh số hóa các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đi vào thực chất và hiệu quả, tránh thực hiện hình thức. Định kỳ hàng quý cần họp Ban Chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn tồn tại, mục tiêu là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, các ngành, địa phương thường xuyên phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để tăng cường tuyên truyền tới doanh nghiệp; thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động, duy trì các kênh đối thoại với các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có biểu hiện hạch sách, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong thực thi công vụ.

THÙY LINH