Yên Phong (Bắc Ninh): Đô thị trẻ đầy tiềm năng

VŨ PHƯỜNG 13/07/2023 20:16

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bắc Ninh, Yên Phong nhanh chóng chuyển mình từ vùng chuyên canh nông nghiệp sang đô thị công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao.

Huyện đã phát huy thế mạnh để từng bước vươn lên, tạo ra diện mạo mới cho sự phát triển của địa phương.

 Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn và lãnh đạo CT Amkor kiểm tra thực địa dự án nhà máy Amkor tại KCN Yên Phong II-C ngày 4/5/2023

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn và lãnh đạo CT Amkor kiểm tra thực địa dự án nhà máy Amkor tại KCN Yên Phong II-C ngày 4/5/2023

Theo ông Nguyễn Chí Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Phong, với vị thế nằm ở “ngã năm, mặt tiền” tiếp giáp Sân bay quốc tế Nội Bài, ở điểm nút giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Yên Phong biết khai thác tiềm năng, thế mạnh từ đất đai, coi đó là nền tảng vững chắc cho sự phát triển.

Điểm đến của các đại bàng

Huyện nằm trong khu vực đầu mối giao thông quan trọng của 2 tuyến cao tốc huyết mạch vùng thủ đô: Hà Nội - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên và được coi là thủ phủ công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh với rất nhiều khu, cụm công nghiệp lớn, có thể kể đến như: KCN Yên Phong I, Yên Phong II, KCN Đông Thọ… Đặc biệt, KCN Yên Phong II-C thu hút đầu tư 2,175 tỷ USD, có tổng diện tích đất công nghiệp là 219 ha. Đến nay KCN Yên Phong II-C thu hút được 19 doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,175 tỷ USD; tổng diện tích công nghiệp đã cho thuê khoảng 108,83/140,78 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 77%. Đây là điểm dừng chân lý tưởng của nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Samsung, Viglacera, Orion, Vinamilk, Dongsi, Dawon Vina… Các khu, cụm công nghiệp này không chỉ đóng góp nguồn thu ngân sách lớn cho nhà nước, mà còn giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đông đảo người dân trong huyện.

Kết quả một số chỉ tiêu chính năm 2022: Giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt gần 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 13,8 % so với năm 2021. Tổng sản phẩm gia tăng đạt hơn 11 ngàn tỷ đồng, tăng 10,4 %. Thu, chi ngân sách huyện đạt gần 2,3 ngàn tỷ đồng, vượt 234% so với dự toán tỉnh giao, vượt 227 % dự toán huyện xây dựng. Thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/người/năm, tăng 3,3% so với năm 2021…

Tháng 12/2022, đô thị Chờ mở rộng có tổng diện tích là 96,93km2, trong đó khu vực nội thị bao gồm thị trấn Chờ và 8 xã: Yên Phụ, Đông Tiến, Trung Nghĩa, Long Châu, Yên Trung, Đông Phong, Đông Thọ, Văn Môn đã chính thức được Bộ Xây dựng quyết định công nhận là Đô thị loại IV.

Ông Cường cho biết, bước sang năm 2023, bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2020-2025, với nhiệm vụ duy trì vị trí dẫn đầu về phát triển công nghiệp của tỉnh và vươn lên trở thành thành phố trong tương lai gần, Yên Phong tập trung lập và điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện. Toàn huyện Yên Phong đang tổ chức Chương trình Phát triển đô thị Yên Phong giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030;… ; Giải quyết tốt hơn vấn đề quản lý trật tự xây dựng, đất đai, ô nhiễm môi trường và các vấn đề xã hội khác.

Từ nay tới năm 2035, Công ty Amkor Technology, Inc sẽ đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh 1,6 tỷ USD để xây nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại KCN Yên Phong II-C

Phát triển toàn diện

Ông Nguyễn Chí Cường Chủ tịch UBND huyện Yên Phong khẳng định, thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2020-2025, huyện xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm để đưa vào chương trình công tác từng tháng, quý và cả năm với tinh thần quyết liệt, đạt hiệu quả tốt. Trên tinh thần tập trung bàn bạc dân chủ, thống nhất tập thể, đề cao trách nhiệm người đứng đầu tạo nên sức mạnh tập thể, lãnh, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển.
Huyện tiếp tục củng cố bộ máy chính quyền các cấp và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, kỹ năng hành chính cao, đổi mới, cải tiến cách làm việc, tăng cường ứng dụng CNTT, thực hiện các TTHC trên môi trường mạng, đạt hiệu quả công việc cao nhất.

  KCN Yên Phong 1

KCN Yên Phong 1

Với phương châm đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, huyện Yên Phong tập trung dồn lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, TTCN cả trong các khu, CCN và làng nghề cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tạo chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Làm tốt công tác GPMB, giải quyết kịp thời các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án, thu hút mạnh các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn vào địa bàn. Phát triển các khu, CCN gắn với phát triển đô thị nhất là các KCN Yên Phong II-C và VSIP; khuyến khích việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, công trình hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa, xứng đáng là thủ phủ công nghiệp công nghệ cao của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, xây dựng huyện Yên Phong đạt tiêu chí đô thị loại III, định hướng trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Có thể bạn quan tâm

  • Bắc Ninh: Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển nhanh, bền vững

    Bắc Ninh: Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển nhanh, bền vững

    13:58, 11/07/2023

  • HANAKA khởi công khu công nghiệp sinh thái - tuần hoàn đầu tiên tại Bắc Ninh

    HANAKA khởi công khu công nghiệp sinh thái - tuần hoàn đầu tiên tại Bắc Ninh

    14:00, 10/07/2023

  • Thị Xã Quế Võ (Bắc Ninh): Đưa OCOP thành thương hiệu mạnh

    Thị Xã Quế Võ (Bắc Ninh): Đưa OCOP thành thương hiệu mạnh

    07:47, 14/06/2023

VŨ PHƯỜNG