Đồng Nai: Hàng loạt các dự án trọng điểm, đầu tư công chậm triển khai?
Nhiều dự án đầu tư công, hạ tầng giao thông trọng điểm, khu tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi nhưng lại chậm triển khai, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân…
>>Đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường Bình Phước - Đồng Nai
Đó là nội dung được Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai và một số đại biểu nêu ra tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Đồng Nai (khoá X), ngày 13/7/2023.
Nhiều dự án chậm triển khai…
Ông Thái Bảo, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh Đồng Nai có nhiều công trình, dự án trọng điểm như: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 TP HCM, nhất là các dự án tái định cư để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh, nhưng trong quá trình thực hiện lại triển khai chậm, dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công thấp so với kế hoạch năm. Đơn cử, như: khu tái định cư Gia Ray, huyện Xuân Lộc; khu tái định cư phường Thống Nhất, Tân Mai, thành phố Biên Hòa...
Cũng theo ông Bảo, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế Đồng Nai tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực. Nhiều dự án hạ tầng, công trình trọng điểm quốc gia và của tỉnh đã và đang được tăng tốc triển khai. Bên cạnh đó, Tỉnh Đồng Nai cũng đang hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ, khắc phục.
Trong đó, việc đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối với sân bay Long Thành vẫn chưa đạt so với mục tiêu.
“Sau gần 6 tháng khởi công, việc thi công cầu Thống Nhất (dự án đường trục trung tâm TP Biên Hoà) vẫn "đứng hình" vì vướng các hộ dân nuôi lồng bè cá chưa di dời. Bên cạnh đó, chưa có giải pháp đồng bộ, hiệu quả khắc phục tình trạng ngập úng đô thị; số vụ khiếu kiện đông người liên quan đến đất đai, dự án bất động sản tăng.
Tình trạng quá tải ở nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gây khó khăn cho chủ phương tiện; tình trạng lao động mất việc làm tác động, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng là những vấn đề rất cần được quan tâm..., ông Bảo nêu.
Do đó, ông Bảo đề nghị các đại biểu xem xét, thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng tại kỳ họp lần này.
Phát biểu tham gia ở góc độ xây dựng chính quyền, ông Cao Văn Quang, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, cho rằng: thông tin cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn về thực tế đời sống kinh tế - xã hội của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn khi lao động thiếu việc làm.
Cử tri bày tỏ lo lắng về một số vấn đề như bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tội phạm trật tự xã hội, tội phạm xâm hại trẻ em; tình hình ngập úng vào mùa mưa; ô nhiễm môi trường; thiếu nước sạch vùng nông thôn; các dự án hạ tầng giao thông triển khai thực hiện chậm tiến độ so với yêu cầu. Ngoài ra, việc chậm bố trí tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân…
>>Đồng Nai: “Lo ngại” nhiều dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ vì thiếu “đất đắp nền”?
Đề nghị chấp thuận chủ trương di dời khu hành chính?
Đáng chú ý, trong trong ngày 13/7/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã có tờ trình HĐND tỉnh dự thảo nghị quyết về chủ trương di dời, xây dựng mới khu Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Đồng Nai tại khu vực Khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai trình HĐND tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương di dời, xây dựng mới khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh tại khu đất khoảng 44ha ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (phường An Bình, TP Biên Hòa) đã được chuyển đổi công năng thành khu đô thị thương mại - dịch vụ.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc tập trung các sở, ban, ngành trong một khu làm việc chung sẽ tạo được sự liên thông trong xử lý công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiết kiệm chi phi hoạt động và hiệu quả cao trong sử dụng đất.
Giải thích về đề án tại kỳ họp, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, đề án từng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai chấp thuận. Vì vậy, UBND tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm như đường ven sông Cái, trục trung tâm hành chính TP Biên Hòa, cầu Thống Nhất để gắn kết không gian cảnh quan với Trung tâm hành chính - chính trị mới của tỉnh.
Về phương án xây dựng trung tâm hành chính trước đây, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết năm 2008, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa VIII) họp và biểu quyết chấp thuận chủ trương di dời, xây dựng mới Khu trung tâm hành chính của tỉnh có quy mô 57ha ở khu đô thị mới Tam Phước, huyện Long Thành (nay là phường Tam Phước, TP Biên Hòa). Tuy nhiên, dự án 57ha trên không tiếp tục triển khai thực hiện do các nhà đầu tư nước ngoài không tiếp tục đầu tư.
Từ năm 2014 đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu vực này cũng chưa được đầu tư, bao quanh là các Khu công nghiệp Long Thành, Khu công nghiệp Tam Phước và các khu dân cư xây dựng tự phát, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
Ngoài ra, tuyến đường giao thông chính là quốc lộ 51 thường xảy ra kẹt xe vào những giờ cao điểm hằng ngày. Vì vậy, việc lựa chọn phương án đầu tư, xây dựng mới Khu trung tâm hành chính - chính trị tỉnh tại khu vực đô thị mới Tam Phước hiện không còn khả thi, Tờ trình của UBND tỉnh Đồng Nai nêu.
Có thể bạn quan tâm
Vụ bị lừa vì thiếu thông tin quy hoạch tại Đồng Nai: Luật sư nói gì?
01:00, 06/07/2023
Vì sao Đồng Nai chưa phê duyệt phương án bồi thường dự án Vành đai 3?
11:00, 30/06/2023
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường Bình Phước - Đồng Nai
00:10, 07/06/2023
Thiếu đất đắp nền tại Đồng Nai - Bài 2: “Vướng” thủ tục cấp phép
11:30, 03/06/2023
Từ vụ trục lợi bảo hiểm tại Đồng Nai: Các chuyên gia nói gì?
03:50, 03/06/2023