Bến Tre: Luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp
Bến Tre tiếp tục cải thiện môi trường Đầu tư kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển bền vững.
Đó là chia sẻ của ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre với với DĐDN.
- Thưa ông, đâu là điểm nhấn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Bến Tre?
Trong những năm qua, tỉnh Bến Tre luôn nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, gắn với kiến tạo môi trường khởi nghiệp thực chất, thông qua việc triển khai có hiệu quả Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiêp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, Tỉnh đẩy mạnh gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp thông qua “cà phê doanh nghiệp”, họp mặt doanh nghiệp, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tại các buổi “cà phê doanh nghiệp” hàng tháng đã thu hút ngày càng đông đảo các doanh nghiệp, doanh nhân tham dự và chia sẻ, đề xuất và góp ý cho tỉnh. Đây cũng là nơi để cộng đồng doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và hợp tác để cùng nhau phát triển bền vững,…
Bến Tre cũng nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công; các sở, ban, ngành liên quan đến lĩnh vực đầu tư kinh doanh đã tiến hành rà soát lại hoạt động của bộ phận một cửa; bố trí cán bộ có trình độ và năng lực hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp; niêm yết công khai phí, lệ phí để doanh nghiệp biết và thực hiện.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương thực hiện thủ tục hành chính tại một đầu mối; rà soát, rút ngắn thời gian việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư. Công tác hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp được tập trung hỗ trợ thông qua đầu mối tổ dịch vụ công đặt tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh (Sở kế hoạch và đầu tư) để hỗ trợ các dịch vụ trước, trong và sau cấp phép cho doanh nghiệp.
Việc cập nhật thông tin, thành phần hồ sơ, quy trình nghiệp vụ, thông tin quản lý hồ sơ doanh nghiệp được thực hiện dựa trên những tiêu chí như: cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, mã số doanh nghiệp,... giúp giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đặc biệt, gần đây UBND tỉnh đã hình thành các tổ công tác để giải quyết vướng mắc trên từng lĩnh vực, nhất là tổ công tác giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.
Tỉnh cũng thường xuyên cập nhật và cung cấp các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội,... trên trang thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan, giúp doanh nghiệp nắm bắt hiệu quả các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tận dụng tốt cơ hội đầu tư và tổ chức hoạt động nhanh chóng, thuận lợi theo đúng chủ trương, chính sách của nhà nước.
Năm 2022, Bến Tre xếp thứ 13 trong bảng xếp hạng PCI cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2021, là địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI năm 2022.
- Hướng tới mục tiêu kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh xanh, phát triển bền vững, Bến Tre đã đưa ra các giải pháp gì thưa ông?
Để xây dựng hệ sinh thái kinh doanh xanh, phát triển bền vững, Bến Tre đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện phát triển bền vững đến năm 2030, huy động sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng thực hiện.
Bên cạnh đó, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững được tỉnh lồng ghép trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm để triển khai thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh.
Đặc biệt, Bến Tre đã sớm triển khai nhiều giải pháp, trong đó phát triển nông nghiệp hữu cơ và sản xuất công nghiệp ít phát thải gắn với bảo vệ môi trường hướng đến xây dựng Bến Tre xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết Đại hội Đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng xác định tập trung phát triển vùng sản xuất tập trung, chú trọng sản xuất sạch, nông nghiệp ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn,... Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW (ngày 11/2/2020) của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Hiện Bến Tre có 19 dự án điện gió được cấp thẩm quyền cho chủ trương thực hiện, với tổng công suất 1.007MW, có 9 dự án đã triển khai thực địa và lắp đặt hoàn thành 366MW, trong đó có 05 dự án đã phát điện (02 dự án phát điện toàn phần, 03 dự án phát điện một phần) với tổng công suất 93,5MW; 10 dự án còn lại đang triển khai các thủ tục pháp lý, trong đó có 8 dự án được nằm trong cơ chế giá chuyển tiếp, 02 dự án (79,5MW) do dự kiến tiến độ vận hành trễ hơn nên các cơ quan có thẩm quyền chưa hướng dẫn cơ chế đối với những trường hợp tương tự 02 dự án này.
UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 6033/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ nhằm quán triệt và triển khai thực hiện tốt các nội dung với mục tiêu tuyên truyền và nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân về phát triển kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở đó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, tăng cường hợp tác quốc tế, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cần thiết từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức quốc tế, các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số thực hiện tốt hệ thống tiêu chí về kinh tế tuần hoàn.
- Vậy, ông có thể chia sẻ những dư địa của Bến Tre trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế ?
Bến Tre cách thành phố Hồ Chí Minh 86km và ở vị trí trung tâm của tuyến giao lưu kinh tế với TP. Hồ Chí Minh, là vùng kinh tế trọng điểm phía nam thông qua hệ thống đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cầu Rạch Miễu - kết nối cầu cổ chiên với tỉnh Trà Vinh và các tỉnh phía nam ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,… Bến Tre sẽ phát huy lợi thế về vị trí địa lý là đầu mối “giao thương” hàng hóa và trở thành “vệ tinh” của vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư khá đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông đang được tập trung đầu tư, tạo kết nối thuận lợi trong nội tỉnh và liên vùng. Hiện, cầu Rạch Miễu 2 đã được khởi công, các công trình, dự án có nhà đầu tư cũng đã bắt đầu khởi động. Sắp tới, Tỉnh còn triển khai nhiều dự án khác như: Phối hợp với tỉnh Vĩnh Long xây dựng cầu Đình Khao (thay thế Phà Đình Khao) kết nối với tỉnh Vĩnh long, xây dựng cầu Tân Phú… đây là các công trình, dự án hứa hẹn tạo sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Đặc biệt, tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh sẽ là hành lang tạo động lực tăng trưởng mới, đột phá cho Bến Tre, giúp tăng cường kết nối các đô thị ven biển thuộc 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, thúc đẩy liên kết giữa tỉnh với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên đối với dự án sử dụng tiết kiệm tài nguyên, dự án có trình độ công nghệ hiện đại, có tiềm năng tài chính mạnh để đảm bảo phát triển bền vững, xanh, sạch và theo chiều sâu, nhất là các lĩnh vực đầu tư và khai thác các khu, cụm công nghiệp, năng lượng, các ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản chuyên sâu, phát triển công nghệ cao, hạ tầng và nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông; công nghiệp phụ trợ góp phần thúc đẩy tiến trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, với tiềm năng, thế mạnh vượt trội trong lĩnh vực nông nghiệp, Bến Tre đang tập trung mời gọi đầu tư vào các dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu, các dự án phát triển vùng nguyên liệu theo chuẩn hữu cơ, dự án chế biến - sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ dừa và trái cây gắn với phát triển du lịch, dịch vụ,…
- Ông có thể chia sẻ đôi nét về kết quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua?
Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều điểm sáng. Thu ngân sách nhà nước nửa nhiệm kỳ đạt 14.243 tỷ đồng, đạt 40,69% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 77,97% so với cùng kỳ nhiệm kỳ trước. Huy động vốn đầy tư phát triển toàn xã hội ước đạt 56.670 tỷ đồng, đạt 43,59% chỉ tiêu nghị quyết, tăng 61,78% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ cao nhất 68,8% tổng huy động vốn, đạt 38.986 tỷ đồng,…
Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được triển khai thực hiện với các hình thức đa dạng, phong phú, thu hút nhiều đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước đến trao đổi, tìm hiểu đầu tư. tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với chính quyền tỉnh Ehime - Nhật Bản, với đại sứ Việt Nam tại Bỉ và 10 tập đoàn lớn hàng đầu cả nước,… Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 1.474 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 19.228,86 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 6.187 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 68.446 tỷ đồng.
Tỉnh hiện có 272 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 63.638 tỷ đồng; 63 dự án FDi đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 1,62 tỷ USD; các dự án tập trung vào các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, chế biến nông thủy sản, điện tử, công nghiệp phụ trợ, may mặc,...
- Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Bến Tre sẽ tập trung vào những giải pháp nào thưa ông?
Thời gian tới, Bến Tre tiếp tục tăng cường thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Cùng với việc giải quyết kịp thời các vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt trong việc thu hồi, bồi thường, giao đất để xây dựng các công trình, dự án, tạo niềm tin với các nhà đầu tư, tỉnh cũng kiên quyết thu hồi dự án không đầu tư, chậm đầu tư, đầu tư không đúng mục đích hoặc không có hiệu quả nhằm tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư khác có tiềm lực vốn và năng lực quản trị tốt. Tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ, chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực, lao động cho nhà đầu tư,…
Tỉnh cũng đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án nhất là các dự án trọng điểm nhằm tạo sự lan tỏa, tạo động lực thu hút các nguồn lực đầu tư tư nhân, nước ngoài. Bến Tre đã và đang triển khai, đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) bằng phương pháp khảo sát trực tuyến, nhằm tìm ra hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh chung của tỉnh những năm tiếp theo.
Bến Tre cam kết sẽ luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, luôn sát cánh và tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển ổn định.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm