Bến Tre: Hướng tới nền kinh tế xanh
Phát triển kinh tế tuần hoàn được xem là “chìa khóa”, là giải pháp quan trọng để sử dụng tốt hơn các nguồn lực, giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường, hướng tới một nền KTX, bền vững.
Bến Tre đã đẩy mạnh phát triển kinh tế ưu tiên theo hướng “thuận thiên”, như: đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, du lịch,… trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa.
Tiềm năng lớn
Để hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững, thời gian qua, Bến Tre đã sớm triển khai nhiều giải pháp, trong đó phát triển nông nghiệp hữu cơ và sản xuất công nghiệp ít phát thải gắn với bảo vệ môi trường hướng đến xây dựng Bến Tre xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến 2030 đã quan tâm khuyến khích tạo điều kiện đầu tư, xây dựng nhiều mô hình sản xuất sạch, xanh như chương trình dừa hữu cơ, lúa - tôm... phát triển năng lượng tái tạo.
Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW (ngày 11-2-2020) của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng xác định tập trung phát triển vùng sản xuất tập trung, chú trọng sản xuất sạch, nông nghiệp ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 6033/KH-UBND thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg nhằm quán triệt và triển khai thực hiện tốt các nội dung với mục tiêu tuyên truyền và nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân về phát triển kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, tăng cường hợp tác quốc tế, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cần thiết từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức quốc tế, các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, thực hiện tốt hệ thống tiêu chí về kinh tế tuần hoàn.
Ông Nguyễn Trúc Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho biết, Bến Tre có thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, với diện tích và sản lượng khá lớn nuôi trồng thủy sản, ngành dừa, các loại trái cây đặc sản, lúa gạo, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kèm theo đó là công nghiệp chế biến không ngừng phát triển đang là tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Việc triển khai rộng rãi mô hình kinh tế đặc biệt này, hướng tới khai thác và sử dụng tiết kiệm tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Nhân rộng mô hình
Thực tế những năm qua, Bến Tre đã phát huy thế mạnh của tỉnh và từng bước chuyển hướng sang kinh tế tuần hoàn. Trong đó, phải kể đến chuỗi giá trị dừa ở Bến Tre được xây dựng và ngày càng phát triển. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 24.246,6ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP… trong đó, dừa là 17.293ha, chiếm hơn 22% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh. Hầu hết các doanh nghiệp đều áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA), Nhật (JAS) và Liên Minh Châu Âu (EU)... Nâng tổng diện tích vườn dừa có thực hiện liên kết chuỗi giá trị là 19.517,5ha chiếm 25,3% diện tích dừa toàn tỉnh.
Đối với cây bưởi, Bến Tre có tổng diện tích là 9.442 ha. Hiện nay các mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS đã được thực hiện tại xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam và tại xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm… Cây lúa có vùng canh tác lúa-tôm ở huyện Thạnh Phú với diện tích 4.000-4.200 ha sản xuất lúa tôm là địa điểm thuận lợi phát triển sản xuất lúa hữu cơ của tỉnh.
Ngành nuôi trồng thủy sản Bến Tre phát triển khá ổn định với diện tích hơn 50.000ha diện tích tiềm năng nuôi thủy sản. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh khai thác được diện tích nuôi thủy sản là 47.590ha, tổng sản lượng nuôi đạt 310.015 tấn, trên 90% sản lượng nuôi có giá trị kinh tế cao, phục vụ chế biến xuất khẩu.
Toàn tỉnh có 13 nhà máy chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu với công suất thiết kế hơn 150 ngàn tấn. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC) được đánh giá mang lại hiệu quả cao. Đến nay, toàn tỉnh đạt 2.867ha, năng suất bình quân từ 60-70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/vụ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sản lượng nuôi tôm CNC đạt 116.500 tấn.
Việc triển khai kinh tế tuần hoàn vào ngành du lịch ở Bến Tre vẫn còn tiềm năng rất lớn. Du lịch có thể liên kết với nông nghiệp sạch/hữu cơ, xây dựng xanh, tiêu dùng xanh, các trải nghiệm liên quan tới rừng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo tồn văn hóa đa dạng sinh học và các công nghệ tiên tiến khác... Tỉnh cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho du khách.
Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, hiện Bến Tre đang tập trung lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chương trình, kế hoạch tại địa phương nhằm thu hút và phát huy các nguồn lực khác nhau như: chương trình OCOP, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi nông nghiệp, tiêu dùng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính… để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tỉnh cũng xây dựng các chương trình, dự án, mô hình áp dụng kinh tế tuần hoàn trong phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, vật tư đầu vào nhằm giảm suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường.
Bến Tre cũng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch đã triển khai về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh; Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ xanh vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường...
Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn nguyên, nhiên liệu, sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế... Đồng thời, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư phát triển kinh tế tuần hoàn, các dự án đầu tư thân thiện với môi trường.
Có thể bạn quan tâm