Định vị Bình Phước trên “bản đồ” chuyển đổi số
Bình Phước luôn xác định, coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số.
Đến nay, Bình Phước đã nỗ lực tạo ra bứt phá, thành công trong thực hiện chuyển đổi số, nhiều nội dung dẫn đầu cả nước.
Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 về chuyển đổi số, Bình Phước đã “cất cánh” ngoạn mục trên bảng xếp hạng chuyển đổi số của cả nước.
Nền tảng là CNTT
Trong thời gian qua, Bình Phước đã xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vừa là nền tảng vừa là nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh, mạnh, bền vững, tạo động lực cho công cuộc cải cách hành chính. Chọn hướng đi đúng cùng với đầu tư trọng điểm, ưu tiên lĩnh vực chuyển đổi số, đã giúp Bình Phước bước vững chắc và liên tục trong nhóm địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước.
Ông Nguyễn Minh Quang - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bình Phước cho biết, không có lợi thế sẵn có về công nghệ nhưng Bình Phước đã vươn lên đứng vị trí thứ 9 cả nước về chỉ số đánh giá chuyển đổi số. Kết quả này có được từ sự quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ có trọng tâm, trọng điểm theo lộ trình.
Đặc biệt, chính quyền điện tử ở Bình Phước được đánh giá là một trong những mô hình kiến trúc phù hợp với định hướng của các bộ, ngành chuyên môn và sát thực tế giai đoạn hiện nay. Ước tính sau gần 5 năm xây dựng chính quyền điện tử làm nền tảng chuyển đổi số, Bình Phước đã hình thành cơ bản nền tảng cơ sở hạ tầng CNTT, định hình phát triển 3 trụ cột chính là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, ông Minh Quang nói.
Trong năm 2022, với việc triển khai thực hiện hiệu quả Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số trên địa bàn tỉnh” đã góp phần thay đổi nhận thức của toàn hệ thống chính quyền từ cấp tỉnh đến xã trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng chính quyền điện tử.
Đến nay, Bình Phước có 1.506 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành của cả nước; thanh toán trực tuyến phí, lệ phí đạt hơn 22.800 giao dịch thành công, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố; thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai đạt hơn 76.000 giao dịch thành công, đứng đầu cả nước.
Ông Nguyễn Minh Quang khẳng định: cộng đồng doanh nghiệp chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số. Thời gian qua, tỉnh đã tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, tuyên truyền về nền tảng số, tiện ích số, thương mại điện tử… phục vụ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh. Từ đó, 54.537 tổ chức, cá nhân đã có tài khoản mua bán hàng trên sàn “postmart.vn”, “voso.vn” với 1.182 sản phẩm được đăng ký bán; 215 đơn vị tham gia sàn “ecombinhphuoc.gov.vn” với 370 sản phẩm đăng ký bán… Đến nay, kinh tế số của Bình Phước vươn lên xếp thứ 14/63 tỉnh, thành. Sự chuẩn bị chu đáo với lộ trình phù hợp đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh.
>>Bình Phước tập trung đẩy mạnh đầu tư công, kích hoạt thị trường bất động sản tăng nhiệt
Đi trước, đón đầu
Tỉnh Bình Phước đã xác định mục tiêu “đi trước, đón đầu” bằng việc tiên phong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số theo lộ trình linh hoạt, tiến tới chuyển đổi số toàn diện.
Theo ông Nguyễn Minh Quang, năm 2022, Bình Phước đã nâng cấp mạng 4G phủ sóng 100% diện tích để đảm bảo khai thác dữ liệu nhanh chóng; hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã kết nối, liên thông 3 cấp và kết nối với Trung ương; 100% xã, thôn, ấp đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng; hệ thống thông tin nguồn, trong đó điển hình là “bộ não số” IOC, trung tâm phục hành chính công các cấp... Đây là nền tảng để từng bước hình thành phong cách lãnh đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số.
Định hướng đến năm 2025, Bình Phước cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.
Tỉnh cũng đã đặt ra dấu mốc để phấn đấu trong lộ trình hiện đại hóa nền hành chính. Bộ thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh hiện đã chuẩn hóa ở cả 3 cấp; phòng họp không giấy; gửi - nhận tài liệu qua môi trường mạng; dịch vụ công trực tuyến thực hiện mức độ 3 và 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia; văn bản điện tử có chữ ký số... Đến nay, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý hoàn toàn trực tuyến đạt 60%; tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng cấp tỉnh đạt 100%, cấp huyện đạt 95%, cấp xã đạt 80%. Năm 2023, Bình Phước đặt mục tiêu 100% đơn vị, địa phương xây dựng và cung cấp, tích hợp cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh…
Quá trình chuyển đổi số của Bình Phước đang được triển khai toàn diện, liên tục trên cơ sở vận dụng hiệu quả yếu tố nhân lực, hạ tầng CNTT và phương pháp triển khai với những bước đi vững chắc, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được từ nghị quyết xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với cải cách hành chính để phấn đấu trở thành một trong các tỉnh, thành đi đầu về chuyển đổi số toàn diện.
Có thể bạn quan tâm