Bình Phước: Đột phá phát triển nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực đã được tỉnh Bình Phước xác định là 01 trong 03 đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2025.
Để trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, cùng với ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, Bình Phước đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Phát triển nguồn nhân lực đã được tỉnh Bình Phước xác định là 01 trong 03 đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2025.
Đột phá phát triển nguồn nhân lực
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định chiến lược phát triển là tăng tỷ trọng công nghiệp, quy hoạch mới và mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút dân cư tăng tỷ lệ đô thị hóa. Giai đoạn 2022- 2025, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong tỉnh cần khoảng 160.000 lao động. Để đáp ứng các mục tiêu này, Bình Phước đã đặt ra mục tiêu cụ thể trong thu hút, chuyển đổi cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn lao động trên địa bàn.
Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025, Bình Phước đặt mục tiêu, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2025 đạt 30%. Quy mô đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt 20.000 người/năm, trong đó 20% trình độ trung cấp trở lên. Thu hút ít nhất 01 phân hiệu đại học với quy mô đào tạo từ 1.000 sinh viên/năm…
Giai đoạn 2026 – 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2030 là hơn 35%. Quy mô đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt 22.000-25.000 người/năm, trong đó 20% trình độ trung cấp trở lên. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ tiếp tục thành lập thêm một phân hiệu của trường đại học với quy mô trên 1.000 sinh viên…
Đồng bộ giải pháp
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỉnh đã và đang tập trung nguồn lực, xây dựng thiết chế phục vụ người lao động. Trong đó, xây dựng các chính sách ưu đãi hợp lý, tăng cường cải cách hành chính, hỗ trợ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư nhà ở xã hội và các thiết chế văn hóa - xã hội khác phục vụ cho người lao động. Để tăng cường năng lực, chất lượng đào tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh cũng tái cấu trúc, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, xúc tiến thu hút đầu tư, xã hội hóa cơ sở đào tạo ngoài công lập; đồng thời, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với việc đào tạo và đào tạo lại cho người lao động tại doanh nghiệp…
Có thể bạn quan tâm