Bình Phước: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Với tiềm năng, lợi thế lớn về quy mô sản xuất, khí hậu, thổ nhưỡng, kỹ thuật canh tác và phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa,...
Bình Phước đang tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước xây dựng một ngành nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.
Bình Phước luôn đặt mục tiêu hướng đến trở thành một trong những địa phương tiên phong về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Hiệu quả ứng dụng công nghệ cao
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, từ khi đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tăng từ 40-50 lần so với các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống. Đồng thời, hình thành và thu hút nhiều doanh nghiệp có thương hiệu đầu tư phát triển sản xuất.
Riêng lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã phát triển được các mô hình trồng dưa lưới, rau thủy canh… ở TP Đồng Xoài, các huyện Hớn Quản, Phú Riềng... Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng nhiều vùng, cây trồng được canh tác theo chuẩn VietGap, GlobalGap, nhiều sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tiêu chí của các thị trường khó tính nhất, hứa hẹn mang lại diện mạo mới, giá trị mới cho nông nghiệp.
Hiện nay các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như điều, hồ tiêu, cây cao su... đã và đang được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó, công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, ưu tiên chế biến, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi từng bước tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Khuyến khích đầu tư theo chuỗi
Định hướng của tỉnh là tập trung chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và một số tiêu chuẩn quốc tế khác. Đề cao ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu. Đây còn là giải pháp quan trọng, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.
Bình Phước cũng triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP để tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng của địa phương, tạo ấn tượng với khách du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với hợp tác xã và nông dân theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm