Cà Mau: Điểm sáng phát triển kinh tế
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Cà Mau có 263 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 1.189 tỷ đồng.
Cà Mau đã xác định đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa kinh tế xã hội Cà Mau phát triển bền vững.
>>Mùa vàng thắng lớn 2023: “Chọn NPK Cà Mau – trúng vàng bao la”
Báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau cho thấy, trong 6 tháng đầu 2023, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, một số chỉ tiêu đạt khá so kế hoạch, tăng trưởng so cùng kỳ năm trước.
GRDP 6 tháng đầu năm đứng thứ 5 cả nước
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,61%. Trong đó, khu vực ngư, nông, lâm nghiệp tăng 3,67%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,71%; khu vực dịch vụ tăng 8,04%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 11.300 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,32% so cùng kỳ. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 45,44%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,57%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 46,91%…
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, với mức tăng trưởng trên, Cà Mau đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL và thứ 5 cả nước.
Các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: Cầu Sông Đốc, trục Đông - Tây, cầu Gành Hào, tuyến đường Cà Mau - Đầm Dơi, Cái Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm, U Minh - Khánh Hội... Đối với các công trình giao thông quan trọng quốc gia trên địa bàn (dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc phía Đông, đoạn Hậu Giang - Cà Mau và dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau), UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đúng thời gian quy định.
>>Cà Mau tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân
Đồng bộ các giải pháp
Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hoá và đề cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ được giao. Trong đó, cần tập trung quyết liệt công tác quy hoạch; làm tốt hơn nữa, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tập trung chỉ đạo thực hiện cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đối với công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ông Huỳnh Quốc Việt cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Cà Mau tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, linh hoạt các giải pháp chuyển đổi số trên địa bàn, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Trong đó, nổi bật nhất là tỉnh đã triển khai hiệu quả Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau” đạt và vượt cả 3 mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) giải quyết trực tuyến cấp tỉnh (đạt 92,79%); tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC cấp tỉnh (đạt 92,28%); tỷ lệ thanh toán trực tuyến cấp xã (đạt 90,14%).
Hiện, trên Cổng Dịch vụ công quốc gia ghi nhận, tỉnh Cà Mau đạt 84,4/100 điểm, đứng đầu cả nước trên Bảng chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong nuôi tôm, xuất khẩu mặt hàng tôm nguyên liệu. Đồng thời, tập trung quyết liệt các biện pháp thu hút, mời gọi đầu tư chuẩn bị cho Festival tôm diễn ra vào cuối năm nay...
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tập trung kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án trọng điểm; đồng thời, tiến hành rà soát các công trình, dự án không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, có giải pháp xử lý phù hợp theo quy định; tăng cường công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm và chương trình mục tiêu quốc gia.
Ngoài ra, Cà Mau tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Hàng tuần, lãnh đạo tỉnh sẽ có tổ chức gặp gỡ và đối thoại doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, tăng cường công tác truyền thông các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để từng người dân, doanh nghiệp hiểu và cùng thực hiện.
Có thể bạn quan tâm