Điện Biên đặt mục tiêu cải thiện ít nhất 5 bậc trong xếp hạng PCI toàn quốc năm 2023
Việc Điện Biên ban hành Chương trình hành động Cải thiện môi trường đầu tư..., nâng cao chỉ số PCI cho thấy sự quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn…
Theo Chương trình hành động do Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô ký ban hành số 2660/CTr -UBND ngày 23/06/2023 về Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm 2023 và giai đoạn 2023-2025, Điện Biên tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt được ở những chỉ tiêu, chỉ số tăng điểm và thứ hạng năm 2022.
Tập trung cải thiện một số chỉ tiêu, chỉ số thành phần có điểm số giảm so với năm trước và chỉ tiêu có cải thiện nhưng còn ở mức thấp và bị giảm bậc trên bảng xếp hạng, phấn đấu nâng cao điểm số và cải thiện ít nhất 5 bậc trong xếp hạng PCI toàn quốc…
Phát huy duy trì, giữ vững những kết quả đã đạt được, phấn đấu tăng điểm, tăng thứ bậc trên bảng xếp hạng của các số đánh giá chất lượng điều hành và chỉ số có tác động, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh như: Chỉ số cải cách hành chính Par - Index; Chỉ số hiệu quả hành chính công PAPI; Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số công khai ngân sách POBI; Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI).
Cải thiện mạnh mẽ, chất lượng, hiệu quả
Để hiện thực hoá mục tiêu nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có xếp hạng Khá trên bảng xếp hạng cả nước; góp phần xây dựng và khẳng định hình ảnh, vị thế, khát vọng vươn lên của tỉnh Điện Biên. Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật và các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện nghiêm túc Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của tỉnh.
“Cần tiếp tục tập trung cải cách, đổi mới hoàn thiện thể chế, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, từng ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, sát với thực tế để cải thiện mạnh mẽ, chất lượng, hiệu quả các chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhất là những chỉ số có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân” Chủ tịch Lê Thành Đô nói.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ công chức, viên chức và nhân dân về tầm quan trọng của việc CCHC và cải thiện chỉ số PCI, tạo sự đồng thuận, nhất quán trong tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, phải xác định việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động điều hành và thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, địa phương trong toàn tỉnh.
Nghiêm túc tiếp thu đánh giá những kết quả đạt được, đưa ra những nguyên nhân hạn chế, đặc biệt là đối với các ngành được phân công chủ trì triển khai thực hiện các giải pháp để cải thiện các chỉ số thành phần trong từng bộ chỉ số PCI cần phân tích cụ thể từng chỉ số, từng tiêu chí đánh giá, từ đó để ra những giải pháp cụ thể, phân công tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm làm đầu mối để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ở cấp mình, trong đó, cần chú trọng các chỉ số có mức độ ảnh hưởng cao đến hoạt động của doanh nghiệp như: Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Chính sách Hỗ trợ doanh nghiệp, Chỉ số đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự,...
Tăng cường, đẩy mạnh công khai, minh bạch dưới nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận thông tin, thuận lợi trong thực hiện TTHC. Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là các nhóm nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử; quan tâm đầu tư cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; vận hành có hiệu quả Cổng dịch vụ công để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân khi thực hiện các TTHC, nâng cao tính minh bạch và hạn chế những tiêu cực phát sinh trong quá trình giải quyết TTHC.
“Tiếp tục tăng cường công tác tiếp nhận và xử lý những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thông qua việc tổ chức gặp mặt định kỳ và các kênh tiếp nhận thông tin khác” Chủ tịch Lê Thành Đô khẳng định.
Gắn chỉ số thành phần tới từng sở ngành
Để phấn đấu PCI tăng dần hằng năm cả về điểm số và thứ hạng, ngoài duy trì các chỉ số thành phần xếp hạng cao, tỉnh Điện Biên giao trách nhiệm cụ thể cho từng Sở ngành…tập trung nâng cao các chỉ số thành phần chưa như kỳ vọng trong năm 2022 như: Tính minh bạch; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động.
Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Lê Thành Đô yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 29/7/2021 về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo.
Căn cứ chức năng nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực, địa bàn có trách nhiệm xây dựng ban hành chương trình, kế hoạch hành động của cơ quan, đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, đồng thời thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) trong năm 2023 và giai đoạn 2023-2025.
Ngoài ra, các cơ quan được giao chủ trì chịu trách nhiệm chính về kết quả từng chỉ tiêu của chỉ số thành phần chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện điểm số các chỉ tiêu đơn vị mình phụ trách…
Giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh các nội dung liên quan đến công tác xây dựng triển khai điều tra, đánh giá và công bố xếp hạng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở ngành, địa phương (DDCI) năm 2023.
Mặt khác, người đứng đầu Chính quyền tỉnh Điện Biên cũng đề nghị Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Điện Biên trong việc tiếp tục đẩy mạnh Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.
Tăng cường hơn nữa các hoạt động hỗ trợ Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Điện Biên trong quá trình hoạt động và đẩy mạnh giao lưu, hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đồng thời thúc đẩy các hoạt động giao lưu, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh Điện Biên…
Đồng thời, đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các Hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; Chủ động thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện chính sách đối với các cơ quan nhà nước để góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hiệu quả, thân thiện và bình đẳng.
Thực hiện tốt công tác phát triển thành viên, hội viên, phát huy vai trò là tiếng nói của doanh nghiệp và cầu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước. Nắm bắt những ý tưởng, sáng kiến từ doanh nghiện để đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho tỉnh. Chủ động nắm bắt và đánh giá tình hình triển khai các chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh để tham mưu, phản biện kịp thời cho tỉnh và phát huy hiệu quả các chính sách này; tăng cường hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên.
“Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh; phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh” Chủ tịch Lê Thành Đô nhấm mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Điện Biên phấn đấu giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước đạt trên 95% kế hoạch
13:00, 07/08/2023
Điện Biên: Quy hoạch là “chìa khóa” thu hút đầu tư
04:00, 25/07/2023
Điện Biên: Lấy quảng bá, xúc tiến làm “đòn bẩy” phát triển du lịch
04:00, 19/07/2023
“Kim chỉ nam” giúp thành phố Điện Biên Phủ hoàn thành mục tiêu năm 2023
14:40, 17/07/2023
Cục Thuế Điện Biên phấn đấu giảm nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách năm 2023
04:00, 11/07/2023