Hải Phòng: Khẩn trương đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại Đình Vũ
TP Hải Phòng quyết tâm đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành xây dựng, chạy thử Nhà máy đốt rác thải phát điện tại Đình Vũ và tổ chức vận hành chính thức trong năm 2026.
>>>EVN đề xuất hai cơ chế đàm phán giá điện rác, điện sinh khối
>>>Đầu tháng 6, nhà máy điện rác Sóc Sơn vận hành thử nghiệm
Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Đình Vũ được triển khai theo Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND TP. Hải Phòng. Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2028 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo kế hoạch, dự kiến nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện số 1 tại khu xử lý Đình Vũ có diện tích sử dụng đất dự kiến khoảng 9ha tại phường Đông Hải 2 (quận Hải An, TP Hải Phòng). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.498 tỷ đồng (giai đoạn 1) từ 100% vốn của doanh nghiệp thời gian hoạt động 20-30 năm. Khi hoàn thành, nhà máy có công suất xử lý (giai đoạn 1) là 1000 tấn/ngày.
Ông Lê Anh Quân - Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng cho biết, Hải Phòng khẳng định quyết tâm đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành xây dựng và chạy thử nhà máy dự kiến nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện số 1 tại khu xử lý Đình Vũ và tổ chức vận hành chính thức trong năm 2026.
Tại buổi kiểm tra địa điểm dự kiến đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Đình Vũ, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, để nhà máy hoàn thành đúng tiến độ đề ra, UBND TP Hải Phòng cần xem xét, nghiên cứu thành lập tổ công tác để thực hiện dự án với sự tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án, bảo đảm chính xác theo đúng quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND TP Hải Phòng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương đề xuất danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất, yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đối với dự án. Đồng thời, phối hợp Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng công bố thông tin dự án, tổ chức đấu thầu rộng rãi theo quy định.
Giao Văn phòng UBND thành phố phối hợp Sở Công Thương báo cáo xin ý kiến Bộ Công Thương cho phép thực hiện các thủ tục triển khai dự án khi kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 chưa được phê duyệt. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Văn phòng UBND thành phố và đơn vị tư vấn rà soát đường găng tiến độ thực hiện dự án bảo đảm sát thực tế, khả thi.
Đối với UBND quận Hải An, cần khẩn trương rà soát quỹ đất thực hiện dự án, chấm dứt hoạt động nuôi trồng thủy sản của các hộ dân, tổ chức quản lý để kịp thời bàn giao mặt bằng sạch triển khai dự án đúng kế hoạch tiến độ.
Rác thải – vấn đề nan giải nhiều năm
>>>CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Gỡ vướng cho công nghệ điện rác tại Việt Nam
>>>CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TUẦN TỪ 25-30/5: Các giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Hải Phòng liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn và dự án đốt rác phát điện, ông Lê Anh Quân - Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các nội dung kế hoạch theo chỉ đạo của UBND thành phố, phối hợp các địa phương triển khai mạnh mẽ hơn hoạt động phân loại rác tại nguồn với mục tiêu hết năm 2024 phải cơ bản tổ chức phân loại rác tại nguồn đối với toàn bộ các tổ dân phố, khu dân cư.
Theo tính toán, trung bình mỗi ngày Hải Phòng có khoảng gần 1.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và khoảng hơn 800 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn. Tỷ lệ phát sinh lượng rác thải này tăng khoảng 10 - 15%/năm. Mặt khác, hầu hết khối lượng rác thải này đều được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Theo dự báo, chỉ trong vòng 3 năm tới, các hệ thống xử lý rác thải hiện tại của Hải Phòng sẽ bị quá tải. Hải Phòng dự kiến đến năm 2025 sẽ đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường thêm 85 bãi rác tạm và đến 2030, đóng cửa toàn bộ bãi rác tạm trên địa bàn thành phố. Đến năm 2025, mỗi ngày TP.Hải Phòng sẽ phải xử lý hơn 2.779 tấn/ngày, đến năm 2030 lượng rác thải sẽ lên đến 3.838 tấn/ngày.
Mặc dù rất nóng lòng về vấn nạn rác thải, tuy nhiên nhiều năm qua Hải Phòng vẫn loay hoay để tìm ra giải pháp hữu hiệu. Trước đây, đã có một tập đoàn lớn có chủ trương đầu tư vào dự án đốt rác phát điện tại xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên. Theo dự kiến, thủ tục đầu tư của dự án hoàn thành trong năm 2020 và khởi công vào Quý I/2021 và hoàn thành vào Quý IV/2022. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn “bặt vô âm tín”.
Với mục tiêu đến năm 2025, 100% các loại chất thải rắn từ sinh hoạt đô thị, nông thôn Hải Phòng được phân loại tại nguồn. Các chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Đồng thời tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hôi năng lượng hoặc sản xuẩ phân hữu cơ…
Về chất thải rắn công nghiệp thông thường, 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao (gyps) phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp,…đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Về chất thải rắn nguy hại, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Với những thực tế và mục tiêu trên, UBND TP.Hải Phòng lựa chọn công nghệ đốt rác phát điện để xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt là hoàn toàn hợp lý khi việc xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt được xác định có những lợi thế như tỷ lệ chất thải sau khi đốt thấp, tiết kiệm quỹ đất sử dụng, có nguồn thu bù vào chi phí xử lý rác... góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể bạn quan tâm