Từ dự án cầu Thủ Thiêm 4 của TP HCM, nhìn về tư duy quy hoạch
Dự án cầu Thủ Thiêm 4 có mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng với 5 phương án thiết kế cầu được đề xuất với chiều cao tĩnh không, đã gợi nên rất nhiều vấn đề về quy hoạch và phát triển kinh tế.
>>> Nâng tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4, khơi tiềm năng phát triển khu vực Cảng Sài Gòn
Gợi mở về tầm nhìn kinh tế du lịch
Phát biểu tại hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn”, do Báo Nhân Dân tổ chức, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Đường thủy là một lợi thế, một điểm mạnh của Thành phố cần được khai thác một cách hiệu quả.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, chia sẻ về tiềm năng phát triển du lịch đường thủy của TP HCM
Cụ thể, theo Phó Giám đốc Sở Du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh có 101 tuyến giao thông đường thủy với tổng chiều dài 913km. Thành phố đã triển khai nhiều tuyến đường thủy tập trung ở trung tâm Thành phố, thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách kết hợp du lịch đường thủy. Ngoài ra, thành phố có gần 150 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy của hơn 100 doanh nghiệp. Sản phẩm du lịch đường thủy ngày càng được đa dạng, từ các tuyến du lịch tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, tầm xa liên vận quốc tế và đa dạng các loại phương tiện đường thủy.
Đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra các giải pháp và phương án để phát triển hơn nữa du lịch đường sông cũng như thu hút khách du lịch như tạo cơ chế cho các doanh nghiệp được tham gia xã hội hóa đầu tư các bến tàu du lịch, sự tham gia ủng hộ của các ngành chức năng liên quan đến phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy…
Trên cơ sở đó, bà Hiếu đề xuất cần đa dạng các tuyến sản phẩm du lịch như tầm ngắn, tầm trung, tầm xa qua việc thêm các loại hình dịch vụ trải nghiệm tại các điểm đến, trên phương tiện thủy; có chính sách liên quan đến việc tiếp nhận các tàu biển lớn được cập cảng biển ở khu vực trung tâm Thành phố nhằm khai thác hiệu quả Cảng Sài Gòn; kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển tuyến vận tải hành khách từ Sài Gòn đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và ngược lại…
>>>Các giải pháp then chốt cho phát triển bền vững TP HCM
Theo ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn, từ thực tế cho thấy, 95% du khách tới Thành phố Hồ Chí Minh bằng đường thủy tiếp tục muốn đi sâu hơn vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, phương tiện duy nhất khả thi vẫn chủ yếu là xe cơ giới. Do đó, ông Tâm nhận định, nếu hệ thống giao thông được kết nối tốt hơn sẽ tạo nên một lợi thế cực kỳ lớn về du lịch cho thành phố.
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm - Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn đề xuất xây dựng cảng du lịch quốc tế Nhà Rồng-Khánh Hội trong tương lai, vì TP HCM "chưa có một nhà ga" đúng nghĩa
Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn khẳng định: “Sông Sài Gòn là một tài sản quý giá, không chỉ về kinh tế mà còn về cả lịch sử-văn hóa. Do đó, chúng tôi mong muốn lãnh đạo thành phố nghiên cứu đưa ra phương án tĩnh không cầu Thủ Thiêm phù hợp để tiếp tục khai thác và duy trì một thương cảng đã có lịch sử rất lâu đời”. Đây cũng là nhận định và là "xuất phát điểm" của các lập luận về tư duy đặt tầm nhìn "định danh TP Hồ Chí Minh" mà TS Trần Du Lịch hay PGS.TS Trần Đình Thiên đã nêu.
Ông Tâm cũng khẳng định, với việc phục hồi kinh tế hiện nay, lượng khách du lịch được dự báo sẽ sớm tăng trưởng lại từ 2024 trở đi. Đồng thời, tại hội thảo, vị Tổng Giám đốc Công ty Cảng trình bày các lý do để đơn vị này đề xuất xây dựng cảng du lịch quốc tế Nhà Rồng-Khánh Hội trong tương lai.
Tư duy quy hoạch "không chỉ là một cây cầu"
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Hàng Hải Việt Nam, cho biết về cá nhân, ông hoàn toàn ủng hộ các ý kiến, quan điểm về giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị bảo tồn cũng như kế hoạch phát triển kinh tế ven sông, kinh tế đêm tại khu vực dự kiến xây dựng cầu Thủ Thiêm 4.
Sông Sài Gòn và vị trí dự án cầu Thủ Thiêm 4 nhìn từ trên cao. Ảnh nguồn: Sở Giao thông Vận tải TP HCM
Cục Hàng Hải cũng đồng tình với ý kiến của các đại biểu về việc tính toán tĩnh không thông thuyền cầu Thủ Thiêm 4 cần tương đồng với quy hoạch, kế hoạch phát triển của thành phố; đặc biệt với cầu Phú Mỹ có tĩnh không cao đã được xây dựng trước đó.
Đáng chú ý, từ nhiều góc nhìn khác nhau, các chuyên gia, nhà quản lý hay đại diện doanh nghiệp đều cho rằng từ cây cầu cửa ngõ Thành phố với việc đang lựa chọn phương án thiết kế sao cho phù hợp nhất, sẽ thấy đây không chỉ đơn là "chuyện của một cây cầu".
Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đằng sau câu chuyện tĩnh không của cầu Thủ Thiêm 4, còn có một câu chuyện lớn hơn về tư duy quy hoạch để phát triển hài hòa trên nhiều khía cạnh khác nhau.
"Các địa phương đang đứng trước một cơ hội rất lớn cần được tận dụng khi Luật Quy hoạch mới cho phép các tỉnh thành được làm lại quy hoạch theo tư duy tích hợp.
Nhìn trên hiện trạng của khu vực Thủ Thiêm, chúng ta có thể thấy quy hoạch hiện tại đang là sự ráp nối của các quy hoạch đã có trước đó. Tôi hy vọng, với việc TP Hồ Chí Minh đang làm lại quy hoạch, thành phố nên xem xét toàn diện dự án cầu Thủ Thiêm 4, không chỉ về tĩnh không, thiết kế hay vị trí…”, chuyên gia nhận định.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, với giá trị của di sản Bến Nhà Rồng, các cây cầu được xây dựng cần có sự liên kết giữa cái mới và cái cũ, đặc biệt với các công trình di sản.
“Chúng ta cần cân nhắc về tỷ lệ của cầu Thủ Thiêm 3 và Thủ Thiêm 4, tránh để Bến Nhà Rồng bị mất đi bản sắc và giá trị lịch sử. Tôi cho rằng, cây cầu Thủ Thiêm 4 có độ tĩnh không như thế nào, thiết kế mỹ thuật và kỹ thuật ra sao thì thành phố phải tính toán cẩn trọng. Tôi mong muốn thiết kế hai cây cầu này sẽ nằm trong chương trình định hướng lại quy hoạch TP Hồ Chí Minh gắn với quy hoạch sông Sài Gòn trong tương lai”, ông bày tỏ.
Hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn”, do Báo Nhân Dân tổ chức với sự tham gia của đông đảo kiến trúc sư, chuyên gia kinh tế, đô thị, nhà quản lý
Còn theo ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du lịch thuyền Sài Gòn, "Sông Sài Gòn chính là nền văn minh Nam Bộ. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải tính toán kỹ phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4, bởi chỉ cần tĩnh không sai sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động vận tải-du lịch trên sông, 90% du khách của tôi vào Vũng Tàu đều về TP Hồ Chí Minh hết. Tại sao chúng ta tự cắt nguồn lợi lớn như vậy?"
Vị Giám đốc cũng "xin giữ lại Cảng Sài Gòn vì đây là nguồn lực nếu chúng ta biết khai thác đúng mức”, cần xem xét các phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 phù hợp nhất với mục tiêu phát triển tiềm năng của khu vực Cảng Sài Gòn.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), đồng tình với quan điểm quy hoạch cầu tại khu vực Thủ Thiêm đã “quá cũ” khi đã có từ 20 năm trước, do đó là người đi sau, ông Kỳ cho rằng chúng ta có thể kiểm nghiệm được và tránh vấp phải những sai lầm về quy hoạch cũ.
Là người làm du lịch gắn bó với Thành phố và mở ra đi muôn nơi, Chủ tịch Vietravel cũng cho rằng, Cảng Sài Gòn còn tạo ra cơ hội để TP Hồ Chí Minh có thể đón du khách với số lượng cao gấp 10 lần số lượng khách của một tàu bay.
Ông khẳng định: "Du lịch biển tiếp cận được vào trung tâm thành phố là một lợi thế không phải thành phố nào cũng có được. Chúng ta không thể giải thích được lý do vì sao cầu Phú Mỹ có tĩnh không 45m mà tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 lại dự kiến chỉ có 10m. Nâng tĩnh không cầu có thể tăng chi phí hiện tại nhưng sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu nhìn vào tương lai. Chúng tôi thực sự mong muốn thành phố tính toán lại để không đánh mất lợi thế quan trọng này”...
Tĩnh không của một cây cầu cao hay thấp, có lẽ không chỉ là chuyện hạn chế hay thông luồng tàu bè qua lại, góp phần quyết định mức độ sầm uất của viễn cảnh trên bến dưới thuyền thuộc Thương cảng Sài Gòn tương lai; mà đó sẽ là một câu chuyện trong những câu chuyện của dòng sông Sài Gòn vẫn đang kể. Đó là câu chuyện về tư duy quy hoạch, về tầm nhìn, về kỳ vọng một Thành phố với sự sôi động của một Thương cảng văn hóa lịch sử, một vùng đất còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy kinh tế du lịch đi lên với bản sắc riêng, sức hút riêng trong dòng chảy kinh tế khu vực đến toàn cầu. Rõ ràng hơn bao giờ hết, những câu chuyện riêng - chung ấy đang rất cần được sự cộng hưởng những giá trị vô giá từ tư duy quy hoạch, mà những giá trị hiển thị tất yếu, trước tiên, lại vẫn là với những nhịp cầu.
Cầu Thủ Thiêm 4 có vai trò rất quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông thành phố Hồ Chí Minh, theo dự báo giao thông đến năm 2040 có hơn 69,000 PCU lưu thông qua cầu hàng ngày, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông theo hướng Bắc - Nam thành phố. Do tính chất quan trọng của trục giao thông qua cầu Thủ Thiêm 4, việc sử dụng cầu mở cho tàu khách qui mô lớn đi qua là rất hạn chế, chỉ có thể thực hiện trong giai đoạn 23h đến 1h ngày hôm sau. Ngoài chi phí xây dựng cao, chi phí vận hành và các rủi ro khi vận hành mở cầu cũng có thể ảnh hưởng đến an toàn khai thác cầu. Theo Qui hoạch cảng đón tàu khách, Khu bến Nhà Bè được bến khách, tàu khách đến 60.000 GT phù hợp với điều kiện khai thác của luồng hàng hải và tĩnh không thông thuyền công trình vượt sông, khả năng đón khách lên đến hơn 200,000 hành khách/năm, Cảng này dư kiến nằm trong dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ (quận 7), do đó kiến nghị xem xét giữ Qui hoạch bến khách Quốc tế tại khu bên Nhà Bè, khu vực bến Khánh Hội chỉ khai thác các cầu có tĩnh không H=10m tương tự các cầu Thủ Thiêm 1 -2 đã khai thác và Thủ Thiêm 3 sẽ xây dựng sau này. (Nguồn: Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Thủ Thiêm 4 - Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh) |