Bình Phước ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao

THÙY LINH 19/08/2023 10:42

Tỉnh Bình Phước xác định, phát triển công nghiệp công nghệ cao (CNC) là giải pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững.

Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều thuận lợi thu hút đầu tư. Tỉnh còn quỹ đất dồi dào, chủ yếu là đất công, dễ xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp.

>>Bình Phước: Minh bạch các thủ tục hành chính

 Chế biến thịt gà xuất khẩu tại Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước)

Chế biến thịt gà xuất khẩu tại Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước)

Tiềm năng lớn

Với định hướng phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, Bình Phước có thể thực hiện chính sách đi tắt, đón đầu, chọn lọc và tiếp nhận các làn sóng dịch chuyển đầu tư, phát triển ngành công nghiệp theo hướng bền vững, giá trị gia tăng cao và khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh riêng có.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 366 công ty đang hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế và cụm công nghiệp. Trong đó có 2 công ty sản xuất sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp CNC, gồm: Công ty TNHH Tech Seal - Dai Binh (Khu công nghiệp Đồng Xoài I) sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác và Công ty TNHH HCM Vina (Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước) sản xuất, gia công sợi các-bon và thủy tinh. Tuy nhiên, 2 công ty này chưa được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp CNC. Như vậy đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước chưa có doanh nghiệp nào được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp CNC, doanh nghiệp ứng dụng CNC.

Để phát triển ngành công nghiệp CNC với hiệu quả cao nhất, tỉnh Bình Phước đã ban hành Đề án “Phát triển công nghiệp CNC tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, đến năm 2025, Bình Phước sẽ từng bước hình thành một số cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh như sản xuất phần mềm, tích hợp hệ thống, sản xuất các thiết bị công nghệ thông tin trên địa bàn. Đồng thời, thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNC, công nghệ tiên tiến thuộc một số lĩnh vực vào hoạt động sản xuất như công nghệ sinh học (ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, y - dược, bảo vệ môi trường, bảo quản thực phẩm...), công nghệ vật liệu mới (ứng dụng vật liệu nano trong nông nghiệp, xử lý môi trường...).

Đến 2030, phát triển ngành công nghệ thông tin trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh; Ứng dụng công nghệ sinh học rộng rãi trong các ngành như nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, thực phẩm. Đồng thời, hình thành một số ngành thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế tạo và tự động hóa, điện tử, năng lượng, vật liệu mới...

>>Bình Phước: Đồng hành cùng doanh nghiệp

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Theo ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Phước, để đạt các mục tiêu nêu trên, Bình Phước ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, công nghệ hiện đại trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp chế tạo và tự động hóa, công nghiệp điện tử, công nghiệp năng lượng, phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp CNC. Tỉnh cũng ưu tiên thu hút các viện nghiên cứu, trường đại học, các tập đoàn công nghệ… đầu tư phát triển công nghiệp CNC gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bình Phước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư doanh nghiệp CNC như chính sách về tín dụng đầu tư, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất… nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư FDI trong các lĩnh vực then chốt.

Hiện nay, Bình Phước có 15 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có 13 KCN với diện tích 6.065 ha, đang thu hút đầu tư với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 68%. Theo quy hoạch tỉnh đã được các bộ, ngành Trung ương thẩm định, đến năm 2030, tổng diện tích đất KCN của tỉnh Bình Phước vào khoảng 10.000 ha; trong đó có KCN Đông Nam Đồng Phú với diện tích 4.200 ha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bình Phước cũng thúc đẩy các dự án giao thông kết nối vùng, trong đó trọng tâm là cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); đường Đồng Phú - Bình Dương…

Bình Phước đang chờ đón các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp CNC. Tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành với nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng thiết yếu, thực hiện các thủ tục pháp lý và đảm bảo an ninh trật tự để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm

  • Bình Phước đột phá thu hút đầu tư

    Bình Phước đột phá thu hút đầu tư

    11:28, 05/08/2023

  • Đưa du lịch Bình Phước cất cánh

    Đưa du lịch Bình Phước cất cánh

    02:00, 29/07/2023

  • Bình Phước: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

    Bình Phước: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

    17:35, 27/07/2023

THÙY LINH