Bình Dương sát cánh cùng doanh nghiệp vượt khó
Để doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, tỉnh Bình Dương đã sát cánh cùng doanh nghiệp, triển khai các chương trình, chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp.
>> Bình Dương: Nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp phục hồi, phát triển
Thời gian qua, ngành Công Thương Bình Dương đã xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, luôn đồng hành với doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương, Tổ trưởng Tổ nắm tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho biết, Sở Công Thương đã thường xuyên làm việc các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn, để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp một cách cụ thể. Trong quá trình giải quyết các nhiệm vụ được giao, hàng tuần Sở Công Thương kịp thời báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Tỉnh ủy giải quyết, đặc biệt trên các lĩnh vực như: xăng dầu, đầu tư hạ tầng cấp điện, điện mặt trời mái nhà, đầu tư hạ tầng chợ…
Sở Công Thương cũng thường xuyên chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh.
Để tích cực triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở Công Thương tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất. Triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số cho doanh nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, đảm bảo công khai, minh bạch các thủ tục hành chính và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sở Công thương cũng tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài, củng cố, phục hồi các thị trường xuất khẩu truyền thống của tỉnh (thị trường Âu - Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Quốc…); mở rộng, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu mới như Ấn Độ, Canada, khu vực châu Mỹ Latinh, Trung Đông… Phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư duy trì hoạt động tổ chức hội nghị xúc tiến, tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu định kỳ 1 lần/tháng cho các hiệp hội, doanh nghiệp thông qua Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài…
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong thời gian tới, tỉnh tập trung tổ chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với từng hiệp hội, doanh nghiệp, từng dự án để kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động, thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Theo đó, trước mắt, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế. Rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng sớm triển khai theo quyết định đầu tư được phê duyệt để sớm hoàn thành, đưa sản phẩm ra thị trường. Đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, triển khai các chính sách hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp trung và dài hạn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động hoặc đề xuất cấp thẩm quyền cắt giảm, đơn giản hoá các quy định tạo ra rào cản mới gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, trừ trường hợp cần thiết và phải đánh giá tác động tới doanh nghiệp; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.
Trong những tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng tiêu cực của tình hình kinh tế và chính trị thế giới, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng nên tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đạt được kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 3,76%, cao hơn bình quân chung của cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,9%; tổng thu ngân sách đạt gần 49.000 tỷ đồng, bằng 72% dự toán. Thu hút FDI đạt hơn 1,22 tỷ USD, thu hút 58.848 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, xuất siêu hơn 6 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm