Hải Phòng: Tạo sức bật cho sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp trong KKT, KCN được cho là giữ vai trò quyết định sự phát triển công nghiệp của TP Hải Phòng, tạo sức cạnh tranh cao cho các doanh nghiệp trong KKT, KCN.
>>>Hải Phòng: Cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính
Đóng góp lớn vào nền kinh tế
Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng: Thành phố đã xác định ba trụ cột phát triển kinh tế chính gồm: Công nghiệp - công nghệ, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại; trong đó, trọng tâm là phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững.
Do vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các KKT, KCN của Hải Phòng được xác định là động lực, đòn bẩy giúp địa phương này liên tục nằm trong tốp các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước.
Ông Lê Trung Kiên - Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng cho biết, tính lũy kế đến hết tháng 8/2023, các KKT, KCN đã thu hút được 494 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 24,9 tỷ USD; 214 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 13,2 tỷ USD đứng thứ 6 cả nước, đứng thứ 2 miền Bắc. Trong đó, tổng vốn đăng ký đầu tư giai đoạn 1993 – 2007 đạt 22.497 tỷ đồng (tương đương 1,47 tỷ USD); giai đoạn 2008-2023 đạt 826.849,2 tỷ đồng (khoảng 36 tỷ USD), mức vốn đăng ký trung bình hàng năm khoảng 2,33 tỷ USD/năm (mức vốn bình quân hàng năm này gấp 1,6 lần tổng vốn đăng ký đầu tư đoạn 1993 – 2007).
Đặc biệt, tổng vốn đăng ký đầu tư giai đoạn từ năm 2020 đến nay khoảng 10,3 tỷ USD chiếm khoảng 27,2% tổng vốn đăng ký đầu tư 30 năm thu hút đầu tư vào KKT, KCN; trên 80% mục tiêu thu hút đầu tư giai đoạn 2020-2025. Số vốn FDI trung bình cho 1 dự án cấp mới trong KCN đạt 56 triệu USD/1 dự án, gấp 2,8 lần so mức trung bình trung bình cả nước và gấp 6,3 lần so với dự án bên ngoài KCN, KKT; suất đầu tư trung bình khoảng 11 triệu USD/ha.
“Có thể khẳng định được quy mô đầu tư, chất lượng dự án FDI trong KCN, KKT cao hơn nhiều so với dự án ngoài KCN, KKT. Các nhà đầu tư đang hình thành xu hướng chuyển mạnh từ đầu tư chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, những dự án sử dụng ít năng lượng, thân thiện với môi trường, cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại, cơ bản hình thành được các hệ sinh thái đối với một số lĩnh vực như điện tử, ô tô, cơ khí chế tạo; giảm dần các dự án thâm dụng lao động”, ông Kiên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp trong KKT, KCN giữ vai trò quyết định sự phát triển công nghiệp của thành phố, có sức cạnh tranh cao, doanh nghiệp trong KKT, KCN nộp ngân sách chiếm tỷ lệ cao trong ngân sách thành phố.
Giá trị sản xuất công nghiệp trong KKT, KCN chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn TP Hải Phòng. Sau 30 năm, các doanh nghiệp trong KKT, KCN đã nộp ngân sách ước đạt 83.916,6 tỷ đồng chiếm 11,82% tổng thu ngân sách nhà nước. Số lượng lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN, KKT tăng nhanh về số lượng, tính đến hết tháng 8/2023, KCN, KKT đã giải quyết việc làm cho hơn 192.277 lao động. Năm 2022, thu nhập bình quân của lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KKT, KCN đạt 10,2 triệu đồng/tháng.
Tạo sức bật mới
TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ: “Trong những năm gần đây, Hải Phòng trở thành điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của địa phương và một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Điều này không thể nhắc đến sự đóng góp của thu hút đầu tư. KKT đã trở thành động lực chủ yếu của những thành tích mà Hải Phòng đạt được trong những năm gần đây. Hải Phòng trở thành điểm sáng, hấp dẫn các nhà đầu tư, là động lực tăng trưởng của đồng bằng sông Hồng”.
Hiện, TP Hải Phòng đã chuẩn bị cho giai đoạn phát triển công nghiệp mới đến năm 2050, theo quy Quy hoạch chung xây dựng, TP Hải Phòng quy hoạch 25 KCN với tổng diện tích khoảng tối đa 15.777ha, trong đó đã bao gồm 14 KCN đã được thành lập với 6.080,21 ha. Đến nay, có 2 KCN đã được phê duyệt chủ trương đầu tư là KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu; KCN Tiên Thanh; 11 KCN đang triển khai thủ tục thành lập; thực hiện thành lập mới KKT phía Nam Hải Phòng dự kiến khoảng 20.000 ha. Đây chính là không gian động lực phát triển của TP Hải Phòng trong thời gian tới.
Theo ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng, để phát triển KCN, KKT trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp phụ trợ. Trong đó, lấy thu hút nhà đầu tư FDI làm động lực phát triển; thu hút các nhà đầu tư trong nước tạo vệ tinh công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường sống; mở rộng không gian phát triển công nghiệp; xây dựng nhà ở công nhân; đầu tư hạ tầng kết nối với KKT, KCN; xây dựng chính sách thu hút lao động, thành lập trung tâm đào tạo lao động chất lượng cao...
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Koen Soenens - Giám đốc Kinh doanh và Marketing Tổ hợp KCN DEEP C cho biết: “Khi nhà đầu tư lựa chọn địa điểm đầu tư, kết nối với hạ tầng giao thông là tiêu chí quan trọng hàng đầu, không chỉ vì việc vận chuyển hàng hóa ra vào nhà máy nhanh chóng, thuận tiện nhất có thể, mà còn vì yếu tố tiếp cận với thị trường mục tiêu, các nguồn lực khác. Việc nói rằng Hải Phòng đang đón nhận một làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ vẫn là một nhận định khiêm tốn. Có nhiều lý do cho hiện tượng này như vị trí địa lý chiến lược và kết nối hạ tầng giao thông đường bộ có thể nói là phát triển đồng bộ nhất cả nước. Hiện nay, trong chính những KCN thuộc DEEP C, chúng tôi đang xây dựng các tổ hợp công nghiệp chuyên biệt như tổ hợp công nghiệp sản xuất ô tô, thiết bị điện tử và năng lượng tái tạo để thúc đẩy sự phát triển”.
Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 358/TTg ngày 15/7/1993 thành lập BQL KCX Hải Phòng. Đến nay, TP Hải Phòng đã có 14 KCN được thành lập với tổng diện tích 6.100 ha (3 KCN giai đoạn 1993-2007; 9 KCN giai đoạn 2008-2013 và 2 KCN giai đoạn 2021-2022), 1 KKT với tổng diện tích 22.540 ha (thành lập năm 2008). Tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện nay đạt 63,8%; trong đó phần lớn diện tích chưa thu hút đầu tư đang trong giai đoạn thực hiện GPMB, san lấp, lấn biển. Giai đoạn đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ lấp đầy 14 KCN đã được thành lập trên 70% và thành lập thêm 4 - 6 KCN mới. Thực hiện chuyển đổi từ 2-3 KCN thành KCN sinh thái; 1 KCN công nghệ cao. Đảm bảo 100% các KCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Thu hút FDI vào KKT, KCN đạt 12,5 - 15 tỷ USD; thu hút DDI vào KKT, KCN đạt 10 - 15 tỷ USD. Bình quân thu nhập người lao động tại KKT, KCN đạt 20 triệu đồng/người/tháng. Hoàn thành 2-3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong KKT Đình Vũ – Cát Hải. Thành lập KKT ven biển Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000ha. |
Có thể bạn quan tâm