Long An: Chú trọng phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ logistics
Thời gian qua, tỉnh Long An đã chú trọng phát triển hạ tầng thương mại, logistics phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH chung của tỉnh.
Trong Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Long An được định hướng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia, là đầu mối xuất khẩu nông - thủy sản của vùng ĐBSCL.
Thời gian qua, tỉnh Long An đã chú trọng phát triển hạ tầng thương mại, logistics phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH chung của tỉnh.
Đầu tư hạ tầng thương mại, đáp ứng nhu cầu mua sắm
Là cửa ngõ ĐBSCL, cận kề TP.HCM, có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp - thương mại, là đô thị vệ tinh của TP.HCM, Long An đang tập trung xây dựng ngành Thương mại phát triển bền vững theo hướng văn minh, hiện đại.
Ông Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, thời gian qua, Long An tập trung kêu gọi đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH chung của tỉnh, quy hoạch phát triển thương mại cả nước. Theo đó, Long An khuyến khích, thu hút mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế trong xã hội, kinh tế nước ngoài đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và các loại hình dịch vụ phân phối hiện đại.
Hiện nay, toàn tỉnh có 125 chợ, trong đó, có 107 chợ nông thôn; 7 siêu thị (4 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 3 siêu thị điện máy); 1 Trung tâm thương mại Vincom Plaza; 241 cửa hàng tiện ích; 6 salon ôtô; 473 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu; 3 kho xăng, dầu...
7 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 51.715 tỷ đồng, tăng 12,37% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt 3.988 triệu USD, đạt 56,1% kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm đạt 2.617 triệu USD, đạt 48,47% so với kế hoạch.
Trong thời gian tới, cùng với tăng tỷ trọng thương mại trong cơ cấu GDP của tỉnh, Long An tiếp tục phát huy vai trò của thương mại trong việc định hướng và thúc đẩy sản xuất phát triển, tổ chức tiêu thụ tốt sản phẩm cho nông nghiệp, nông dân; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư và tăng trưởng kinh tế.
Hiện tại, Long An tập trung thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong, ngoài nước để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Trong đó, ưu tiên hình thành một số khu thương mại - dịch vụ tại các trung tâm thương mại lớn (TP.Tân An, thị xã Kiến Tường, huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc).
Trở thành trung tâm Logistics
Long An là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ kết nối giữa ĐBSCL với TP.HCM, Đông Nam bộ, là địa phương có nhiều lợi thế cạnh tranh, nhất là liên kết vùng. Ðể nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương và liên vùng, tỉnh Long An đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược để phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn.
Theo ông Huỳnh Văn Sơn, phát triển dịch vụ logistics thành ngành đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại” là một trong những mục đích mà Long An hướng tới dựa trên kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Quan điểm của tỉnh là thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn một cách đồng bộ, hợp lý với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng bước phát triển dịch vụ logistics theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách, đồng thời hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác của tỉnh. Ngoài ra, việc tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nhằm hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trên cơ sở định hướng phát triển, Long An đã lập danh mục ưu tiên thu hút đầu tư và tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2050. Theo đó, Long An sẽ ưu tiên thu hút đầu tư, hình thành 10 trung tâm logistics nhằm góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa tỉnh Long An với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL tại các huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường.
Đặc biệt, Cảng Quốc tế Long An với diện tích quy hoạch 147ha tại huyện Cần Giuộc sau khi hoàn thành sẽ là sự kết hợp hài hòa của một khu liên hợp dịch vụ cảng biển cùng các công trình phụ trợ, các tiện ích mang lại giá trị vượt trội, góp phần hình thành quần thể cảng biển năng động, hiện đại trong tương lai. Tỉnh cũng đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi chất lượng cao để bổ trợ cho hoạt động giao thương đến và đi từ Cảng Quốc tế Long An.
Những nỗ lực trong đầu tư cho hệ thống hạ tầng sẽ góp phần đưa Long An từng bước trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ của Vùng ĐBSCL và là đầu mối quan trọng cho hoạt động logistics của các tỉnh, thành phố phía Nam.
Có thể bạn quan tâm