Long An: Phát triển đô thị theo hướng bền vững
Tỉnh Long An đang đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa để phát triển đô thị theo hướng bền vững.
>>Xuất hiện “phố Tây” tại Đức Hòa - Long An
Những năm gần đây, quy mô từng đô thị trên địa bàn tỉnh Long An có nhiều thay đổi, góp phần mang lại diện mạo khang trang, hiện đại và đời sống tốt hơn cho người dân.
Tập trung xây dựng hạ tầng đô thị
Một trong những mục tiêu tổng quát giai đoạn 2020-2025 được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định là khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị hóa. Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra 3 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm; trong đó, có Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Theo đó, chương trình này huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế, cùng ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, đưa công nghiệp, dịch vụ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, chương trình phát triển đô thị tạo động lực, định hướng để các địa phương triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, nâng loại các đô thị hiện hữu và hình thành, phát triển các đô thị mới. Trong đó, TP.Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, đầu mối giao thông của tỉnh; thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh; các đô thị: Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc là đô thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và vùng giáp ranh với TP.HCM.
TP.Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, đầu mối giao thông của tỉnh. TP.Tân An đóng vai trò là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại của phía Đông Bắc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đô thị cửa ngõ giữa vùng Đông Nam bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thị xã Kiến Tường đóng vai trò là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười gắn với Khu kinh tế cửa khẩu Long An, có vai trò động lực, thúc đẩy hoạt động công nghiệp, logistics, chế biến nông sản, kinh tế biên mậu với Campuchia.
Các đô thị Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc là các đô thị vệ tinh, thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và vùng giáp ranh với TP.HCM, có vai trò giảm tải về áp lực dân số, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cho TP.HCM. Các đô thị còn lại đóng vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, thương mại của đơn vị hành chính cấp huyện.
Phát triển đô thị bền vững
Long An hiện có 15 đơn vị hành chính trực thuộc (13 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố). Trên địa bàn tỉnh có 19 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II là TP. Tân An, 6 đô thị loại IV là thị xã Kiến Tường, thị trấn Hậu Nghĩa, thị trấn Bến Lức, thị trấn Cần Đước, thị trấn Cần Giuộc, thị trấn Đức Hòa và 12 đô thị loại V.
Thời gian qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh được lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương quan tâm triển khai, thực hiện, có nhiều chuyển biến tích cực; từng bước hình thành các đô thị ngày càng khang trang. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Đặc biệt, từ khi Quyết định số 2388/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Long An đến năm 2030 có hiệu lực đến nay, các đô thị trên địa bàn tỉnh phát triển theo kế hoạch và thực tế phát triển khởi sắc thay đổi khách quan theo tiến trình phù hợp tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Long An cho phù hợp thực tế và tốc độ phát triển của địa phương.
Tại Quyết định số 686 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Long An phấn đấu đến năm 2030 có 27 đô thị. Theo Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh khoảng 55%, các đô thị loại III (Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa) phải bảo đảm hoàn thiện các tiêu chí phân loại đô thị về hạ tầng, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục - đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng đô thị, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển mạnh các đô thị: Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa (tiếp giáp TP.HCM), mở rộng phạm vi ranh giới các đô thị hiện hữu chưa bảo đảm tiêu chuẩn diện tích.
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, từ nay đến năm 2030, các đô thị trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển bền vững theo mục tiêu: đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực, toàn quốc và thế giới. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại.
Có thể bạn quan tâm