Kiên Giang “khơi thông” những “điểm nghẽn” PCI năm 2023
Năm 2023, tỉnh Kiên Giang đang tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “khơi thông” những “điểm nghẽn” cản trở mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, nâng điểm, nâng hạng PCI.
Tại Hội nghị triển khai Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh (PGI) năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang diễn ra chiều 25/9 tại Hội trường UBND tỉnh. Với sự tham dự đại diện VCCI, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh, các Sở ban ngành tỉnh Kiên Giang cùng hơn 250 doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì Hội nghị đánh giá: Chỉ số PCI của Kiên Giang năm 2022 đạt 62,24 điểm, tăng 2,51 điểm và tăng 04 bậc so với năm 2021 (được xếp hạng 56/63 tỉnh, thành phố cả nước và xếp hạng 11/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL). Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Liên đoàn TM&CN Việt Nam (VCCI) áp dụng bộ Chỉ số PGI. Kết quả, Kiên Giang đạt 13,34 điểm, được xếp hạng 57/63 tỉnh, thành phố. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Chỉ số PCI của Kiên Giang tăng bậc trên bảng xếp hạng PCI cả nước, tuy nhiên thứ hạng cải thiện chưa nhiều.
“Soi” mình để tiến
Nhìn nhận việc cải thiện các Chỉ số PCI chưa đạt như kỳ vọng, bà Quảng Xuân Lụa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh Kiên Giang (Trung tâm) cho rằng: Bên cạnh ý kiến đánh giá của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình được tham gia khảo sát có lúc, có lĩnh vực chưa phản ánh đúng thực tế (đến cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh có tổng cộng trên 11.296 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng số phiếu khảo sát để lấy ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ chiếm 7,4%). Do đó chưa phản ánh hết lợi thế và dư địa hiện có của tỉnh.
Nguyên nhân chính do một số Sở, ngành, địa phương còn xem nhẹ công tác xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 20/9/2021 của UBND tỉnh, đặc biệt là đối với các Sở, ban, ngành được giao chủ trì các chỉ số chiếm trọng số lớn, có điểm số giảm, có nhiều chỉ số thành phần bị xếp hạng thấp...
ThS. Nguyễn Phương, VCCI Cần Thơ phân tích: “Theo khảo sát doanh nghiệp, bộ phận một cửa tỉnh hoạt động tốt, tuy nhiên một số chỉ tiêu chưa tích cực tập trung vào các thủ tục cấp phếp loại hình kinh doanh có điều kiện...”
Đáng chú ý, theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn TM&CN Việt Nam (VCCI) chia sẻ: Tỉnh cần lưu ý các điểm số giảm điểm mạnh trong năm qua như: Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Đào tạo lao động và hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là những chỉ số giảm điểm mạnh trong năm, ảnh hưởng đến điểm số chung PCI của tỉnh vì có trọng số cao...
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp thuỷ sản Minh Khuê góp ý: “Tôi sợ có sai số hệ thống trong việc doanh nghiệp được nhận phiếu khảo sát...Quy trình đánh giá PCI phải được đánh giá bởi người có trách nhiệm, có trình độ và phải thấu hiểu được PCI là gì...
Mục tiêu trở lại nhóm các tỉnh có thứ hạng khá của cả nước
Để hướng tới mục tiêu Chỉ số PCI, PGI năm 2023 của tỉnh tiếp tục được cải thiện đáng kể hơn nữa để trở lại nhóm các tỉnh, thành phố có thứ hạng khá của cả nước. Từ đó, làm tiền đề để tiếp tục phấn đấu lên nhóm các tỉnh, thành phố được xếp hạng cao trong giai đoạn đến năm 2025.
Bà Lụa cho biết, tỉnh tiếp tục tập trung giải quyết tốt 03 nhóm vấn đề: CCHC; Công khai minh bạch; Trách nhiệm giải trình. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh...
Đồng quan điểm trên, ông Trần Ngọc Tính, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Kiên Giang nhận định: Sở tiếp tục thực hiện tốt công tác CCHC. Trong đó, thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai TTHC, nhất là thủ tục đăng ký doanh nghiệp và các thủ tục theo quy định về điều kiện kinh doanh (giấy phép con).
Cùng với đó, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký qua mạng (hiện nay việc đăng ký doanh nghiệp thực hiện trên 90% qua mạng...).
“Tiếp tục rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp từ 03 ngày theo quy định xuống còn 1,5 ngày. Kết hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với một số lực vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện” ông Tính khẳng định.
Đối với giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số thành phần “Tiếp cận đất đai”, đại diện Sở TN&MT khẳng định: Sở tiếp tục tập trung thực hiện TTHC về đất đai theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch; xây dựng khung giá đất của tỉnh phù hợp với giá thị trường; nỗ lực thực hiện công tác GPMB để tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư; tạo thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai cho người dân, doanh nghiệp,…
“Hướng đến mục tiêu đặt các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước vào tâm thế thường trực luôn luôn cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ, giải quyết nhanh chóng những nút thắt về thủ tục tiếp cận đất đai, GPMB…, từ đó, thu hẹp khoảng cách giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của doanh nghiệp...” đại diện Sở TN&MT nói.
Về Chỉ số đào tạo lao động, đại diện Sở LĐTB&XH chỉ rõ: Sở tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại trụ sở Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các văn phòng đại diện ở các huyện. Thường xuyên niêm yết công khai các TTHC, liên tục đăng tải trên Website Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và Cổng thông tin lao động, việc làm và đào tạo nghề tỉnh tại địa chỉ https://laodongvieclam.kiengiang.gov.vn để giúp người lao động thuận tiện trong việc khai thác thông tin. Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; giáo dục nghề nghiệp sau trung học phổ thông, liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học...
Chia sẻ cách cải thiện PCI tỉnh Quảng Ninh, Bà Vũ Kim Chi, Phó Trưởng ban thường trực, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho hay: “Ở Quảng Ninh có tổ công tác PCI riêng. Đặc biệt có một chỉ đạo đầu tiên và quan trọng nhất là chỉ đạo của BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nghị quyết này tạo sự xuyên suốt, đồng bộ tất cả các cơ quan ban ngành và các cấp uỷ. Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về Cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, tại cuộc công bố đánh giá Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp huyện và Sở, ngành về điều hành kinh tế (DDCI), tỉnh cũng tổ chức các Sở ngành ký cam kết để quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây cũng là cách để giúp cho Lãnh đạo, người đứng đầu cao nhất của các Sở ban ngành của tỉnh có sự quan tâm một cách quyết liệt hơn nữa...”, bà Vũ Kim Chi khẳng định.
Với vai trò Tổ phó, Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, ông Nhàn yêu cầu: Các Sở, ngành, thành phố, huyện thị... cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hướng tới mục tiêu phục vụ doanh nghiệp và người dân là trọng tâm.
Nâng cao chất lượng công tác đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, công khai kết quả xử lý sau đối thoại; tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp theo từng lĩnh vực; theo địa bàn huyện, thành phố; theo nhóm doanh nghiệp với những vấn đề chung… Đa dạng hóa kênh thông tin phản ánh, tiếp nhận và phản hồi trong giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp.
Giao Trung tâm, chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện đối với Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp huyện và Sở, ngành (DDCI) để đánh giá thêm chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện và Sở, ngành trong thời gian tới.
Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Trung tâm cùng các Sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan kịp thời tập trung triển khai thực hiện Chỉ số xanh (PGI) năm 2023 và những năm tiếp theo.
Đề nghị các Hội, HHDN tỉnh phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối giữa chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; phối hợp tốt với các Sở, ban, ngành và địa phương tuyên truyền rộng rãi đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về Chỉ số PCI, PGI để các doanh nghiệp hiểu và đánh giá đúng trong quá trình tham gia khảo sát, đánh giá.
“Với sự quyết tâm, tinh thần “nói đi đôi với làm”, sự đồng lòng của lãnh đạo các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của TU, tôi tin tưởng rằng Kiên Giang sẽ khắc phục được những “điểm nghẽn” trong cải cách TTHC, tăng cường cung cấp dịch vụ công và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Qua đó, sẽ cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh PCI. Tỉnh luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhàn cam kết.
6 tháng đầu năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành cùng với sự tích cực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như: tăng trưởng GRDP ước đạt 6,37%, trong đó: khu vực nông – lâm – thủy sản tăng 2,49%, công nghiệp – xây dựng tăng 7,09%, thương mại, dịch vụ tăng 10,79%. Trong 06 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp thành lập mới là 708 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 16.640 tỷ đồng (đạt 69,33% so với kế hoạch và đứng thứ 2 vùng ĐBSCL sau Long An), nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên hơn 12.000 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 210.000 tỷ đồng. |
Có thể bạn quan tâm
Tiếp tục sự kiện “Dai-ichi Life - Cung Đường Yêu Thương 2023” tại Kiên Giang
07:16, 16/07/2023
Giải pháp tăng năng suất, chất lượng giống lúa ST (ST24, ST25) canh tác trên nền đất nuôi tôm tại Kiên Giang
09:34, 06/07/2023
Eximbank khai trương trụ sở mới tại Hòn Đất – Kiên Giang
04:40, 05/07/2023
Kiên Giang kết nối doanh nghiệp du lịch Hà Nội trong tình hình mới
15:26, 23/03/2023
Xây dựng “thương hiệu Kiên Giang”
01:13, 31/01/2023