Quảng Nam tìm cách đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ

TUẤN VỸ 02/10/2023 10:01

Với nhiều chính sách thu hút đầu tư ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tỉnh Quảng Nam hiện nay đang gặt hái các thành quả trong lĩnh vực này và định hướng đẩy mạnh thành ngành chủ lực.

>>Hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam: Nên bắt đầu từ đâu?

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 02 khu kinh tế (KKT), 14 khu công nghiệp (KCN) và 92 cụm công nghiệp (CCN), được quy hoạch và phân bố trên 18/18 đơn vị hành chính với tổng diện tích trên 83.000 ha. Về hạ tầng cung cấp điện đã phát triển nhanh, có 28 nhà máy thủy điện và 01 nhà máy nhiệt điện đang vận hành với tổng công suất 1.360,86 MW.

Mở rộng quy mô

Theo báo cáo, công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) tại Quảng Nam đang là một ngành then chốt, mũi nhọn của địa phương. Giai đoạn 2011 – 2020, công nghiệp CBCT đã thu hút 47.366 tỷ đồng đầu tư, chiếm 21,78% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh, phần lớn vốn đầu tư đến từ các nhà đầu tư trong nước và chủ yếu vào ngành ô tô. Tỉnh Quảng Nam hiện có 1.054 doanh nghiệp công nghiệp CBCT và sử dụng 97.738 lao động vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp CBCT bình quân 16%/năm giai đoạn 2011 – 2020.

Tuy nhiên, thời gian qua ngành công nghiệp CBCT và công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Quy mô doanh nghiệp nhỏ, năng lực sản xuất, vốn, công nghệ còn rất nhiều hạn chế. Cùng với đó là sự liên kết hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp nội địa phương, các doanh nghiệp địa phương với nhau còn hạn chế, do đó các doanh nghiệp địa phương chưa tham gia vào các khâu, phân khúc của chuỗi giá trị ngành.

Công nghiệp hỗ trợ được xem là tiềm năng của Quảng Nam và địa phương này đang tích cực mở rộng quy mô, thu hút doanh nghiệp.

Công nghiệp hỗ trợ được xem là tiềm năng của Quảng Nam và địa phương này đang tích cực mở rộng quy mô, thu hút doanh nghiệp.

Thông tin từ ông Võ Ngọc Nghĩa - Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam) trong việc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh Quảng Nam thì vai trò của các chính sách đối với sự phát triển công nghiệp là rất quan trọng, sự ra đời và phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai và các khu, cụm công nghiệp là đòn bẩy quan trọng cho phát triển công nghiệp của định phương. Tiếp đến là việc phát triển nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như giày dép, may mặc, sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và linh kiện ô-tô đã làm tăng vượt bậc giá trị xuất khẩu của tỉnh.

“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh thu hút một số dự án đầu tư mới với vốn đầu tư lớn đi vào hoạt động, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các lĩnh vực công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô và dệt may, sản phẩm thiết bị điện, linh kiện điện tử. Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt –may thời gian gần đây đã có sự phát triển rõ rệt, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Ước tính có khoảng 25 dự án hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 9.700 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 13.000 lao động, chủ yếu là doanh nghiệp FDI. Công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, với thế mạnh là Tập đoàn THACO, đây là điểm sáng và tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp của tỉnh nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng với 7 nhà máy lắp ráp xe và hình thành Công ty TNHH cơ khí và công nghiệp hỗ trợ (Thaco Industries), bao gồm 19 nhà máy”, ông Nghĩa cho biết.

Ngoài Tập đoàn THACO, những năm gần đây tỉnh cũng đã thu hút thêm nhiều doanh nghiệp FDI tham gia đầu tư trong lĩnh vực này như Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô CTR Vina với vốn đầu tư 27 triệu USD (Hàn Quốc); Nhà máy phụ trợ ô tô bằng đùn chất dẻo với vốn đầu tư 10,3 triệu USD (Hàn Quốc); Nhà máy sản xuất vải túi khí của Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam với vốn đầu tư 35 triệu USD (Hàn Quốc); Nhà máy sản xuất mô tơ phanh bơm chân không bằng điện tử của xe ô tô với vốn đầu tư 5 triệu USD (Hàn Quốc)…..

Quy hoạch trung tâm công nghiệp phụ trợ

Trước đó, tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ Công thương, Bộ KH&ĐT về việc đề nghị bổ sung quy hoạch quốc gia Trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Theo hiện trạng, Khu kinh tế mở Chu Lai đã hình thành khu công nghiệp cơ khí ô tô, là điểm nhấn về công nghiệp sản xuất ô tô, trên lĩnh vực công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ đã từng bước phát triển.

Ngoài ra, địa phương này cũng đã có Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 – 2020, Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 để thúc đẩy lĩnh vực này. Theo số liệu, hiện tỉnh Quảng Nam có khoảng 63 dự án đầu tư ngành công nghiệp cơ khí, với tổng vốn đầu tư khoảng 29.000 tỷ đồng và có hơn 2.000 cơ sở sản xuất cơ khí nhỏ lẻ hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí, sản xuất, sửa chửa máy móc dụng cụ nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí phục vụ dân sinh.

a

Công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, với thế mạnh là Tập đoàn THACO, đây là điểm sáng và tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Nam.

Vì vậy, tỉnh Quảng Nam đề xuất lập Trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ tại Chu Lai để phát triển ngành công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam, phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là Trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Từ đó, điều kiện cho tỉnh tổ chức thực hiện mô hình liên kết cụm ngành thuận lợi, rút ra kinh nghiệm để áp dụng nhân rộng cho các mô hình liên kết cụm ngành khác trên cả nước.

Ở góc độ chuyên gia, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng địa phương cần bố trí nguồn lực phù hợp, phân bổ hợp lý các nguồn lực quốc gia từ Trung ương đến địa phương để tập trung phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên như vật liệu, cơ khí, chế tạo, chế biến, công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành Việt Nam có lợi thế sử dụng lao động và xuất khẩu như dệt may, da – giày, điện tử… Cùng với đó là nâng cao vai trò, vị trí và năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp tại địa phương đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Ngoài ra, cần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp cũng như hình thành các công cụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp. Thúc đẩy phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp, tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với chuỗi cung ứng của các Tập đoàn toàn cầu, xây dựng hệ thống nhà cung ứng nội địa, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ để công nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên.

“Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thúc đẩy khoa học và công nghệ, các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển cho các ngành công nghiệp. Khai thác hợp lý nguồn tài nguyên, khoáng sản để huy động nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo; bảo đảm việc bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp”, ông Phạm Anh Tuấn đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Tìm phương án hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam

    Tìm phương án hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam

    10:47, 25/09/2023

  • Gỡ khó cho cụm công nghiệp Quảng Nam

    Gỡ khó cho cụm công nghiệp Quảng Nam

    14:21, 21/09/2023

  • Quảng Nam cải thiệnp/chất lượng xúc tiến đầu tư

    Quảng Nam cải thiện chất lượng xúc tiến đầu tư

    14:40, 14/09/2023

TUẤN VỸ