Kiên Giang: Ba trụ cột tăng điểm, tăng hạng PCI
Kiên Giang xác định thực hiện tốt 3 trụ cột “cải cách hành chính”, “công khai minh bạch”, “ trách nhiệm giải trình” và sự tham gia đồng bộ của “cơ quan Nhà nước”; “người dân, doanh nghiệp”.
Đó là chia sẻ của ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang với Diễn đàn Doanh nghiệp về mục tiêu tăng điểm, tăng hạng PCI năm 2023 của tỉnh.
Tính từ đầu năm đến 15/9/2023 có 1.136 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 12.470,6 tỷ đồng, đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL và 17/63 cả nước về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và đứng thứ 2 khu vực, thứ 19/63 cả nước về số vốn. Tỷ lệ đăng ký qua mạng đạt 96,51%.
- Năm 2023 là năm khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể, tuy nhiên, số doanh nghiệp Kiên Giang tăng đáng kể. Vậy “đột phá” nào tạo sức hút doanh nghiệp đến lập thân, lập nghiệp tại Kiên Giang thưa ông?
Tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ DNNVV trên địa bàn đến năm 2025 để góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển của DNNVV. Thực hiện đồng bộ các giải pháp: thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, nâng cấp chất lượng Website Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh,… nhằm tháo gỡ “nút thắt” các vấn đề phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC với 1.558 TTHC công trực tuyến toàn trình và một phần... Tăng cường đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp xử lý kịp thời các vướng mắc. Định kỳ hàng năm, tỉnh tổ chức 02 cuộc đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ, khó khăn. Các hoạt động này ngày càng đi vào thực chất, mang lại hiệu quả, góp phần cải thiện Chỉ số Tính năng động của chính quyền - Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
- Năm 2022, PCI Kiên Giang tăng 4 bậc so với năm 2021, tuy nhiên vẫn còn 07 chỉ số giảm điểm. Chắc hẳn năm 2023 tỉnh đã có “thuốc” cải thiện các chỉ số giảm điểm và nâng cao các chỉ số tăng điểm?
Kiên Giang xác định thực hiện tốt 3 trụ cột “cải cách hành chính”, “công khai minh bạch”, “trách nhiệm giải trình” và sự tham gia đồng bộ của “cơ quan Nhà nước”; “người dân, doanh nghiệp”. Theo đó, tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ số PCI và Chỉ số xanh (PGI) năm 2023 trên địa bàn tỉnh để nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã để tập trung nghiên cứu từng tiêu chí đánh giá của Chỉ số PCI, PGI, đặc biệt là với 07 chỉ số PCI giảm điểm, từ đó xây dựng kế hoạch cải thiện…
Ngoài ra, tỉnh giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành... tham mưu tỉnh triển khai Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp huyện, Sở, ngành (DDCI) để đánh giá chất lượng quản lý, điều hành...
Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả hoạt động Tổ công tác 770 của UBND tỉnh, đôn đốc tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao cho các sở, ngành và địa phương, định kỳ hàng tháng Tổ này công khai kết quả tại cuộc họp Thành viên UBND tỉnh và trên Cổng TTĐT tỉnh… làm căn cứ xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Qua đó, lấy việc nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, hướng tới phục vụ doanh nghiệp, người dân là trọng tâm.
Tỉnh cũng công khai kết quả xử lý sau đối thoại; đã rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết 119 TTHC theo thẩm quyền (giảm từ 3-5 ngày/TTHC); Nâng cao hiệu quả của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các cấp;... Đưa vào hoạt động Tổng đài 1022 của tỉnh để hỗ trợ người dân trong thực hiện các dịch vụ công… Đến hết tháng 9/2023, kết quả tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 93,4%, mức độ hài lòng của người dân đạt 100%.
- Với những chính sách hỗ trợ từ chính quyền các cấp, doanh nghiệp cần làm gì để đồng hành cùng chính quyền, thưa ông?
Doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của xã hội, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, các hiệp hội, doanh nghiệp cần phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền các cấp… Song song đó, các doanh nghiệp cần phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động hội nhập quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, tích cực tham gia chuyển đổi số,... Mặt khác, doanh nghiệp chủ động trao đổi với hiệp hội, hội doanh nghiệp và chính quyền các cấp về tình hình sản xuất kinh doanh để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, cùng nhau phát triển ổn định và bền vững...
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm