Đắk Nông: Phát triển công nghiệp hiện đại, bền vững

THÙY LINH 07/10/2023 15:27

Phát triển công nghiệp hiện đại, bền vững là mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Nhiệm vụ then chốt này đang được tỉnh tập trung các giải pháp để thực hiện. Là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản xuất công nghiệp đang đi đúng hướng với mục tiêu phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu

Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đắk Nông đặt mục tiêu “Xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên”; “Trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia” đến năm 2030.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng, triển khai Kế hoạch Phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh đặc biệt nhấn mạnh tới việc phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững. Đắk Nông cũng tập trung phát triển công nghiệp bô xít - alumin - nhôm và năng lượng tái tạo để trở thành một trong ba trụ cột của nền kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách.

Kế hoạch đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 16%/năm; tỷ trọng ngành Công nghiệp trong GRDP của tỉnh chiếm 16,74%. Ðến năm 2030, tỷ trọng ngành Công nghiệp trong GRDP đạt 23%. Tỉnh xây dựng được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Bá Út – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông cho biết, giai đoạn 2021-2022, tăng trưởng bình quân của ngành Công nghiệp Đắk Nông trong GRDP là 10,93%; Đa số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Đắk Nông đều tăng mạnh so với kỳ trước. Ngành Công nghiệp dần khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Đặc biệt, Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ có công suất 650.000 tấn/năm. Trên thực tế, với lượng quặng khai thác, năm 2021, Nhà máy đã sản xuất được gần 730.000 tấn alumin và năm 2022 với 715.000 tấn, vượt 15% so công suất thiết kế. Nhà máy đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm trực tiếp cho 1.100 lao động tại địa phương và kéo theo các loại hình dịch vụ trong vùng dự án cùng phát triển. Sản xuất alumin- luyện nhôm trong thời gian tới tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong ngành Công nghiệp của Đắk Nông, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

 Sản phẩm alumin của Nhà máy Alumin Nhân Cơ được kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng và xuất khẩu đi nhiều thị trường lớn

Sản phẩm alumin của Nhà máy Alumin Nhân Cơ được kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng và xuất khẩu đi nhiều thị trường lớn

Ông Nguyễn Bá Út, Giám đốc Sở Công Thương:

Ngành Công Thương Đắk Nông đang hướng tới khuyến khích, thu hút đầu tư triển khai các dự án phát triển công nghiệp bô xít - alumin – nhôm, năng lượng tái tạo và các dự án chế biến nông sản công nghệ cao từ nguồn nguyên liệu của tỉnh.

Tạo đột phá trong công nghiệp

Ông Nguyễn Bá Út, Giám đốc Sở Công thương cho biết, để ngành Công nghiệp phát triển, giữ vị trí dẫn đầu trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh, ngành Công thương sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, như miễn, giảm tiền thuê mặt bằng, tiền sử dụng đất, thuế, nguồn vốn hỗ trợ… Qua đó khuyến khích, thu hút đầu tư triển khai các dự án phát triển công nghiệp bô xít - alumin – nhôm, năng lượng tái tạo và các dự án chế biến nông sản công nghệ cao từ nguồn nguyên liệu của tỉnh.

Hiện nay, mọi quy trình, thủ tục đầu tư tiếp tục được tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo hướng thuận lợi hơn cho nhà đầu tư và tổ chức thực hiện một cách hiệu quả. Đặc biệt, thời gian giải quyết thủ tục đầu tư sẽ được rút ngắn hơn nữa, gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu. Các chính sách về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp sẽ được tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả, tạo sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tín dụng, đất đai.

Đắk Nông đã kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư lớn vào khảo sát, nghiên cứu, đề xuất dự án bô xít - alumin - nhôm và chế biến sâu các sản phẩm từ nhôm, các dự án năng lượng tái tạo. Điển hình là các nhà đầu tư như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn đầu tư Việt Phương, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, Công ty Cổ phần Tập đoàn TH...

Theo lãnh đạo Sở Công thương, việc phát triển, hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển công nghiệp là nhiệm vụ lớn trong thời gian tới. Khi có cơ chế, chính sách tốt, Đắk Nông sẽ thu hút hiệu quả đầu tư vào công nghiệp. Cơ chế, chính sách sẽ tạo nền tảng cho Đắk Nông đạt mục tiêu đến năm 2030, ngành Công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trở thành trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến bô xít - nhôm của Quốc gia.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 3 KCN. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy KCN Tâm Thắng (Cư Jút) là 92,15%; KCN Nhân Cơ (Đắk R’lấp) 86,5%. KCN Nhân Cơ 2 mới được Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng, với quy mô 400ha. Tổng vốn đầu tư cho dự án hơn 1.442 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao Đắk Nông là điểm sáng cải cách hành chính?

    Vì sao Đắk Nông là điểm sáng cải cách hành chính?

    04:00, 25/04/2023

  • Đắk Nông: Cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp

    Đắk Nông: Cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp

    00:23, 24/03/2023

THÙY LINH