Quảng Ninh: Hiệu quả chuyển đổi số cho nông dân
Nhiều nông dân của Quảng Ninh đã nắm bắt tốt nền tảng mạng xã hội để kết nối trực tiếp với người mua, quảng bá giới thiệu nông sản qua các sàn thương mại điện tử.
>>Quảng Ninh: Hỗ trợ doanh nghiệp đưa khoa học công nghệ vào sản xuất
Hiệu quả bước đầu
Trang mạng xã hội Facebook Chả mực Hiền Nhung được mở khoảng 5 năm nay, khi xu hướng bán hàng trên mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những kênh giao dịch thương mại lớn. Bà Nguyễn Hiền Nhung chủ cơ sở tại chợ Hạ long 1 chia sẻ: “Khách hàng không những mua bán thuận lợi hơn, mà họ còn có thể trực tiếp xem cách cơ sở chế biến, rán chả. Hình ảnh thực tế sẽ giúp cho khách hàng có được lựa chọn ưng ý, vì vậy cơ sở thường xuyên livestream bán hàng, quay video quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng này và đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Có ngày cơ sở tiêu thụ được gần 1 tấn chả mực thông qua giao dịch điện tử.
Không chỉ các cơ sở kinh doanh, mà hiện nhiều người dân, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn Quảng Ninh đã nắm bắt cơ hội về chuyển đổi số, vận dụng để tối ưu các khâu sản xuất. Như tại tại Khu phức hợp sản xuất giống công nghệ cao tại xã Tân Lập (huyện Ðầm Hà) do Tập đoàn Việt - Úc làm chủ đầu tư, công nghệ số đã giúp đồng bộ toàn thể hệ thống quản lý quá trình sinh trưởng con tôm, đảm bảo chất lượng tốt nhất. Đó là hệ thống máy tính theo dõi tổng hợp, ghi nhận số liệu từ đồng thời các khu sản xuất tảo, hệ thống lọc nước và cho tôm ăn tự động, phòng xét nghiệm... đạt chuẩn quốc tế. Từng mẻ tôm giống xuất bán đều được mã hóa phục vụ nhu cầu của khách hàng nếu cần truy xuất nguồn gốc, chủng loại, kiểm tra thông tin chất lượng...
Còn đối với hợp tác xã (HTX) Nông - lâm - ngư nghiệp Thái An (TP Móng Cái), ngoài kinh doanh theo hình thức truyền thống, thời gian gần đây, HTX cũng đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường. Hiện các sản phẩm của đơn vị như khoai lang sấy, khoai lang tươi, trà khoai lang, tỏi đen... đã có mặt ở Postmart, Sendo, Teqni.gov.vn... và đã xây dựng được các đại lý phân phối tại nhiều tỉnh, thành. Nhờ chủ động bắt nhịp với chuyển đổi số, 2 năm gần đây HTX có doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Hướng tới 100% nông dân 4.0
Hiện 100% khu dân cư tập trung tại Quảng Ninh đã có kết nối internet băng rộng cố định; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đã đạt 95% (mục tiêu 92%); 89,13% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng (mục tiêu 88%); 100% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác (mục tiêu 95%).
Với lợi thế đó, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn Quảng Ninh đang tích cực đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân từng bước ứng dụng công nghệ số trong sản xuất. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản.
Theo đó, các cấp hội đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số cho hội viên. Nội dung hướng tới các kỹ năng cơ bản để truy cập, khai thác các ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử; giới thiệu phương thức, cách làm, kết nối đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; tạo lập, hỗ trợ kỹ thuật trong các trang web giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp. Từ đó giúp nông dân chủ động, tích cực tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thích ứng với yêu cầu phát triển xã hội.
Ngoài ra, các cấp hội cũng tích cực hướng dẫn hội viên trong việc tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; giới thiệu các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt...
Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tham gia chuyển đổi số; chỉ đạo, thành lập nhóm chuyên tư vấn, hỗ trợ tổ chức cung ứng dịch vụ cho nông dân kỹ năng, nghiệp vụ trực tiếp livestream bán hàng trên các mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, hướng tới 100% nông dân 4.0.
Có thể bạn quan tâm