Tây Ninh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Tây Ninh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trọng điểm... để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
>> Tây Ninh đứng thứ 2 về tăng trưởng kinh tế trong vùng Đông Nam Bộ
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tây Ninh, đến hết ngày 30/9/2023, Tây Ninh đã giải ngân 2.612,546 tỷ đồng, đạt 64,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 57,05% kế hoạch HĐND tỉnh giao; ước giải ngân đến ngày 31/10/2023 là 2.985,515 tỷ đồng, đạt 73,51% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 65,19% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Đến ngày 30/9/2023, UBND tỉnh Tây Ninh đã bố trí vốn thanh toán khối lượng hoàn thành năm 2023 cho 60 dự án với tổng số vốn là 113,601 tỷ đồng. Qua rà soát, các chủ đầu tư đã thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác thanh toán, tất toán tài khoản, tích cực giải ngân vốn ngay sau khi bố trí vốn quyết toán dự án hoàn thành. Đến ngày 31/8/2023, các chủ đầu tư đã thực hiện giải ngân 45 dự án với 75,99 tỷ đồng, đạt 66,9% kế hoạch.
Theo số liệu công khai về tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2023 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được công bố tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Tây Ninh xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố.
Theo Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tây Ninh, xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, làm động lực cho phát triển các ngành kinh tế, góp phần giữ vững đà tăng trưởng, ngay từ đầu năm tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ này.
Cụ thể, ngay từ đầu năm tỉnh đã giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sở, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức triển khai thi công các dự án chuyển tiếp, phân khai chi tiết kế hoạch vốn cũng như tổ chức thực hiện các quy trình, thủ tục để triển khai các dự án mới.
UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 27.3.2023 về việc phát động phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2023-2025, làm cơ sở để các đơn vị nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng và lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ phó, lãnh đạo các sở, ngành: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kho bạc Nhà nước là các tổ viên, để thường xuyên tổ chức kiểm tra tiến độ thi công của các dự án trọng điểm tại hiện trường nhằm đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong quá trình thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh tổ chức họp giao ban định kỳ hằng tháng về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công nhằm theo dõi tình hình giải ngân của các dự án trên địa bàn tỉnh, kịp thời chỉ đạo, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công...
Theo ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, những tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh... để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Tây Ninh sẽ thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn bằng các biện pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; trong đó tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của chương trình phục hồi, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên vật liệu phục vụ các dự án, công trình trọng điểm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các cấp chính quyền; thành lập các tổ công tác, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công...
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn của các chủ đầu tư liên quan đến quy trình thẩm định giá đất, phương án bồi thường; kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công...
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng tiếp tục quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh trong công tác xây dựng cơ bản; cam kết thực hiện giải ngân vốn đầu tư công được giao, nhanh chóng xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quy trình thẩm định giá đất, phương án bồi thường... Kiểm soát chặt chẽ năng lực của các nhà thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu và thương thảo ký hợp đồng, bảo đảm nhân công phù hợp để thi công các gói thầu, không để xảy ra trường hợp không bố trí đủ nhân lực thực hiện theo đúng kế hoạch yêu cầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chất lượng công trình, thường xuyên tổ chức kiểm tra tại hiện trường, kiên quyết xử lý vi phạm trong thực hiện hợp đồng thi công.
Có thể bạn quan tâm