Thái Bình: Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ di chuyển dự án khu vực ven sông Trà Lý
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Thái Bình về hiện giai đoạn 1 của Đề án di chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan, đơn vị và 1 điểm dân cư khu vực ven sông Trà Lý.
>>>Thái Bình: Doanh nghiệp, doanh nhân phải cùng liên kết, phát triển
Theo tỉnh Thái Bình, hiện nay, việc di dời trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước đang được tiến hành khẩn trương, dự kiến cuối năm nay sẽ đủ điều kiện bố trí nơi làm việc mới cho một số đơn vị.
Về di chuyển các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đã lập xong phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với 9/13 đơn vị doanh nghiệp. Đã hoàn thành di dời 3/3 điểm bến bãi. Đối với đất ở của các hộ gia đình, cá nhân, đã hoàn thành kiểm đếm xong tài sản của 51/61 hộ gia đình, cá nhân.
Trong quá trình thực hiện Đề án đang gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng, kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chưa có định mức, đơn giá bồi thường di chuyển các hạng mục máy móc, dây chuyền phục vụ sản xuất, chuyên ngành…
Ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh: Hiện nay tiến độ triển khai thực hiện còn chậm so với kế hoạch. Đề nghị các sở, ngành tranh thủ sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đúng kế hoạch. Giao UBND thành phố, phường Lê Hồng Phong tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thấy tầm quan trọng của việc phát triển đô thị, phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương; chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Bám sát các quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách đã được HĐND tỉnh thông qua để lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.
Trong tháng 10, thành phố hoàn thành phê duyệt, chi trả tiền bồi thường cho 4 doanh nghiệp, 30 hộ gia đình, cá nhân. Thành phố chủ động phá dỡ những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Ông Thận cũng đề nghị Sở Tài chính bố trí đủ nguồn lực để thực hiện dự án. Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh cùng Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục di chuyển đến địa điểm mới. Sở Xây dựng phối hợp cùng thành phố hướng dẫn, xây dựng đơn giá hỗ trợ kinh phí di chuyển bảo đảm đúng quy định. Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp hoàn tất các thủ tục về đất đai.
Được biết, Đề án di chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trụ sở cơ quan, đơn vị và một số điểm dân cư khu vực ven sông Trà Lý thuộc thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình được HĐND tỉnh Thái Bình thông qua tại Kỳ họp HĐND để giải quyết công việc phát sinh đột xuất ngày 29/4/2022.
Thành phố Thái Bình là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng của tỉnh Thái Bình có diện tích tự nhiên 6827,43 ha với 19 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trải rộng hai bên sông Trà Lý. Trong quá trình hình thành và phát triển của thành phố Thái Bình, nhiều doanh nghiệp, cụm công nghiệp, bến bãi, quy hoạch ven bờ sông Trà Lý để khai thác lợi thế về đất đai, vận tải thuỷ đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thành phố.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh về mở rộng không gian đô thị; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, bến bãi hiện đang nằm trong khu vực trung tâm thành phố; Hệ thống hạ tầng về giao thông, xử lý nước thải, khí thải,... trong khu vực thiếu đồng bộ không còn phù hợp với định hướng phát triển đô thị trong khu vực nội thành theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Bình đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050.
Sau khi Đề án hoàn thành sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế đô thị và kinh doanh thương mại, dịch vụ hai bên bờ sông Trà Lý; Phát triển không gian đô thị hai bên sông Trà Lý góp phần đồng bộ hệ thống hạ tầng kĩ thuật, xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Phạm vi thực hiện đề án liên quan đến nhiều doanh nghiệp, người lao động, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Cụ thể, có 102 tổ chức; 40 điểm bến, bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng; 263 hộ gia đình, cá nhân và trang trại của 01 hộ gia đình.
Được biết, tổng kinh phí thực hiện Đề án nêu trên dự kiến gần 4.000 tỷ đồng. Theo Đề án, khu vực giáp hai bên sông Trà Lý, từ cầu Hòa Bình đến xã Vũ Đông thực hiện định hướng quy hoạch phát triển không gian đô thị hai bên sông Trà Lý.
Đối tượng phải di chuyển gồm: 92 cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ; 8 cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp; 40 điểm bến bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng; 264 hộ gia đình, cá nhân...
Giai đoạn 1, từ năm 2022 đến hết quý II/2023, di chuyển các cơ sở, sản xuất kinh doanh, trụ sở cơ quan, đơn vị và điểm dân cư thuộc phạm vi Đề án đoạn từ cầu Thái Bình đến sông Vĩnh Trà. Trong đó, có 8 đơn vị sản xuất kinh doanh và các cơ sở sản xuất thuộc phạm vi giai đoạn 2 có nhu cầu di dời trước khi có dự án đầu tư; 7 trụ sở cơ quan...
Giai đoạn 2, từ quý III/2023 đến năm 2025, di chuyển các cơ sở sản kinh doanh, trụ sở cơ quan, đơn vị và điểm dân cư còn lại thuộc phạm vi Đề án.
Trước đó, để tháo gỡ khó khăn phát triển đô thị ven sông Trà Lý ông Ngô Đông Hải - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình đã cho rằng, Dự án di chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trụ sở cơ quan, đơn vị và một số điểm dân cư khu vực ven sông Trà Lý là dự án trọng điểm của tỉnh, góp phần tạo điểm nhấn không gian đô thị, tạo cú hích cho sự phát triển của thành phố. Đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20. Vì vậy, thành phố và các sở, ngành cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong triển khai thực hiện dự án; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tham mưu, đề xuất cho tỉnh các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án trên tinh thần vận dụng linh hoạt, sáng tạo, không cứng nhắc và đúng theo các quy định của pháp luật.
Trước quan điểm chỉ đạo nhất quán của Tỉnh ủy Thái Bình, yêu cầu UBND tỉnh và UBND TP Thái Bình phải bảo đảm các tiêu chí bảo tồn nguyên vẹn các công trình di tích lịch sử văn hóa, các công trình nhà ở có giá trị lịch sử. Quy hoạch hài hòa các tuyến phố liền kề, kết nối thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí kết hợp đi bộ và các tiện ích công cộng khác. Kết cấu xây dựng hạ tầng cơ sở phải bảo đảm đồng bộ, hiện đại theo quy chuẩn đô thị thông minh. Đối với khu vực sân vận động và các khu đất trụ sở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liền kề cần có phương án phù hợp, ưu tiên đáp ứng nhu cầu tái định cư tại chỗ cho người dân theo nguyên tắc tương đồng.
Có thể bạn quan tâm