Hà Tĩnh: “Chìa khóa vàng” đón sóng đầu tư

NGUYỄN HÀ - LÊ NAM 21/10/2023 17:50

Phát huy những ưu thế sẵn có cùng những cơ chế chính sách hấp dẫn về thu hút đầu tư, Hà Tĩnh đã và đang trở thành điểm an toàn, tin cậy cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

 Đầu năm 2023, Hà Tĩnh tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào tỉnh với chủ đề “Hà Tĩnh - Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng”. Ảnh Báo Hà Tĩnh

Đầu năm 2023, Hà Tĩnh tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào tỉnh với chủ đề “Hà Tĩnh - Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng”. Ảnh Báo Hà Tĩnh

Nằm ở trung tâm Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh có hệ thống giao thông kết nối khu vực và quốc tế, trở thành điểm kết nối các trung tâm kinh tế của quốc gia với nước bạn Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và là cửa ngõ quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, Tiểu vùng Mekong mở rộng với đường hàng hải quốc tế qua cảng Vũng Áng, Sơn Dương; là cầu nối giữa các nước bên bờ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Thu hút nhiều dự án tầm cỡ

Trong thời gian qua, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, tuy vậy, Hà Tĩnh vẫn duy trì tốc độ phát triển, môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá ngày càng thông thoáng và hấp dẫn hơn.

Đáng chú ý, bên cạnh việc chủ động tiếp cận nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước để mời gọi đầu tư, Hà Tĩnh cũng tiếp tục ban hành, điều chỉnh chính sách thu hút mới để hấp dẫn nhà đầu tư; lãnh đạo tỉnh cam kết luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh tại tỉnh.

Trong tháng 5 vừa qua, Hà Tĩnh tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư, tạo sự lan tỏa tích cực. Một số dự án tạo động lực mới được thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư. Đặc biệt, dự án Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà của VSIP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trao quyết định đầu tư tại Hội nghị hợp tác Việt Nam - Singapore. Đây là sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh, được Trung ương đánh giá cao về chất lượng, tiến độ chuẩn bị hồ sơ (từ khi trình đến phê duyệt trong 30 ngày).

Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.500 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 454.000 tỷ đồng, tương đương hơn 18 tỷ USD. Trong đó, trong nước có 1.400 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 137.000 tỷ đồng, FDI có 69 dự án với tổng vốn đăng ký 16,1 tỷ USD, tương đương hơn 317.000 tỷ đồng…

Nhờ đó, trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế tỉnh ước đạt 7-7,5% , trong đó công nghiệp - xây dựng tăng trên 10%, nông nghiệp tăng 2,7%, dịch vụ tăng 6,8%. kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng 60%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt hơn 12.400 tỷ đồng.

Môi trường đầu tư hấp dẫn

Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, với mục tiêu thu hút trên 100 dự án có tổng mức vốn khoảng 2.500 triệu USD trong năm nay, Hà Tĩnh tiếp tục mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực ưu thế như: Hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ - du lịch, nông nghiệp hữu cơ… Tỉnh tiếp tục đổi mới hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng môi trường đầu tư ngày càng công khai, minh bạch; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Hà Tĩnh lấy đột phá trong cải cách hành chính làm “chìa khóa vàng” mở cửa đón làn sóng đầu tư. Cùng với đó, phát huy hiệu quả các tổ công tác của tỉnh (Tổ công tác đặc biệt, Tổ công tác 467, Tổ công tác 477) nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện hồ sơ, thủ tục để triển khai dự án kịp thời, thuận lợi nhất.

Để tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, qua đó nhằm phát huy hết những tiềm năng, ưu thế của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, Hà Tĩnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, Chương trình, Kế hoạch của UBND tình về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ hai, tổ chức thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND huyện, thành phố, thị xã (DDCI) của tỉnh Hà Tĩnh năm 2023 và các năm tiếp theo.

Thứ ba, triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh.

Thứ tư, tập trung triển khai các nhiệm vụ về thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC); rút ngắn thời gian thực hiện các TTHC.

Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế; Công khai, minh bạch hóa thông tin cho doanh nghiệp về các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ sáu, triển khai có hiệu quả các hoạt động tư vấn thực hiện các thủ tục hành chính; các chính sách; Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công.

Thứ bảy, nâng cao hoạt động quản lý đầu tư, doanh nghiệp...

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Tĩnh - Nghệ An: Tạo “mắt xích” hệ thống cảng cạn ở tuyến đường huyết mạch nối sang Lào

    Hà Tĩnh - Nghệ An: Tạo “mắt xích” hệ thống cảng cạn ở tuyến đường huyết mạch nối sang Lào

    01:52, 28/08/2023

  • PCI 2022: Hà Tĩnh đột phá tăng 9 bậc

    PCI 2022: Hà Tĩnh đột phá tăng 9 bậc

    15:29, 12/04/2023

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030

    22:02, 08/11/2022

NGUYỄN HÀ - LÊ NAM