Vĩnh Phúc: Hoàn thiện hạ tầng giao thông thu hút đầu tư
Với phương châm "quy hoạch luôn đi trước một bước", Vĩnh Phúc tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo đột phá trong chiến lược thu hút đầu tư vào tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Độ cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng phát triển của tỉnh là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc. Đây cũng chính là cơ sở để tỉnh sẵn sàng cho thu hút đầu tư.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện các hạ tầng quan trọng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, huyết mạch cho phát triển kinh tế, xã hội và quá trình đô thị hóa.
Theo đó, Sở Giao thông -Vận tải (GTVT) đã phối hợp các sở, ngành, địa phương nghiên cứu Quy hoạch phát triển giao thông vận tải, các quy hoạch xây dựng liên quan để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông cấp tỉnh theo quy mô quy hoạch được duyệt.
"Giai đoạn 2021 - 2030, tổng nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông từ nguồn ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 48.000 tỷ đồng" ông Độ chia sẻ.
Chỉ tính riêng năm 2023, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh cân đối cho các công trình dự án do cấp tỉnh quản lý đạt 11.657 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư công đã phân bổ cho các công trình, dự án do cấp tỉnh quản lý đạt 4.184 tỷ đồng. Kết cấu hạtầng giao thông từng bước được đầu tư, hoàn thiện đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhiều dự án lớn, trọng điểm mang tính chất đón đầu cho sự phát triển được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện. Gần đây nhất, vào cuối tháng 8/2023, cầu Vĩnh Phúc chính thức thông xe. Cầu bắc qua Sông Lô là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như tạo bước đột phá trong giao thương phát triển kinh tế, xã hội giữa hai tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ.
Cùng với cầu Vĩnh Phú, nhiều dự án giao thông lớn, trọng điểm được triển khai, đề xuất đầu tư và hoàn thành trở thành điểm nhấn của đô thị với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ, có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh, thành phố, góp phần mở rộng không gian đô thị, từng bước hình thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc.
Điển hình như cầu Đầm Vạc; Dự án mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh; đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (khu vực Văn Quán) đến trung tâm huyện Sông Lô và tuyến nhánh đi khu công nghiệp Sông Lô I; đường nối Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến Khu danh thắng Tây Thiên; cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành (Vĩnh Yên); mở rộng cầu Bến Gạo qua sông Phó Đáy trên ĐT.305; đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai (tuyến phía Bắc) đoạn từ QL2C đến đường Hợp Thịnh - Đạo Tú…
Hiện, tổng quy mô chiều dài giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đạt trên 7.100km được kết nối liên hoàn bao gồm đường cao tốc; hệ thống các đường vành đai; đường tỉnh, đường huyện và đường giao thông nông thôn, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân và giao thương phát triển kinh tế, xã hội.
Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, ngànhgiao thông tỉnh Vĩnh Phúc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, phê duyệt, triển khai các thủ tục đầu tư với các tuyến đường trục hướng tâm, các tuyến đường liên kết vùng để đầu tư trong giai đoạn 2026-2030 như nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 2 đoạn từ giao với đường trục đô thị Mê Linh đến thành phố Vĩnh Yên.
Nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 2C đoạn từ cầu Vĩnh Thịnh đến nút giao IC5; đường song song đường sắt tuyến phía Bắc, phía Nam các đoạn còn lại để kết nối thông suốt thành phố Vĩnh Yên đến cầu Hạc Trì, thành phố Việt Trì (Phú Thọ).
Mở rộng đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc; đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường kết nối với tỉnh Tuyên Quang; cứng hóa 100% các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đáp ứng các tiêu chí “giao thông kiểu mẫu”…
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2208 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường vành đai 2 vùng phía Tây đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ ĐT.306 đi ĐT.307 do UBND huyện Lập Thạch làm chủ đầu tư, với tổng số vốn đầu tư hơn 358 tỷ đồng.
Dự kiến đến hết năm 2025, cơ bản các tuyến đường giao thông cấp tỉnh kết nối trung tâm tỉnh lỵ với trung tâm các huyện, thành phố sẽ được đầu tư, từng bước hoàn thiện theo tiêu chuẩn tối thiểu từ đường cấp III đồng bằng trở lên.
Phấn đấu đến hết năm 2025, ngành GTVT cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông cấp tỉnh kết nối trung tâm tỉnh lỵ với trung tâm các huyện, thành phố đạt quy mô tối thiếu từ đường cấp III đồng bằng trở lên.
"Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp có uy tín và nguồn lực lớn quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch... góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển" ông Độ khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Tỉnh Vĩnh Phúc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng thu hút đầu tư
04:00, 31/10/2023
Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, sát với nhu cầu thực tiễn
04:00, 18/10/2023
Tỉnh Vĩnh Phúc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
13:38, 29/05/2023