Quảng Ninh: Muốn tạo mạng lưới đường sắt kép kín với Trung Quốc

LAN VŨ 26/10/2023 08:08

Tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc).

>>>Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: Đầu tư mới hạ tầng thay vì cải tạo

>>>Đường sắt tốc độ cao hình thành đô thị mới

UBND tỉnh Quảng Nình vừa có công văn gửi Bộ Giao thông và Vận tải về việc lập quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Giao thông và Vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam lập Quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái hoặc bổ sung đoạn Hạ Long - Mong Cái vào Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh do Cục Đường sắt Việt Nam đang triển khai làm cơ sở để kêu gọi, xúc tiến đầu tư cũng như để quản lý quỹ đất theo quy hoạch tuyến được phê duyệt.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện nay phía Trung Quốc đang triển khai đầu tư tuyến đường sắt từ thành phố Phòng Thành đến thành phố Đông Hưng thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền nam Trung Quốc. Được biết, tổng chiều dài lắp đặt đường ray của toàn tuyến đường sắt Phòng Đông là 106,7km, phải xuyên qua 8 đường hầm và 32 cây cầu, dự kiến cuối tháng 12 đủ điều kiện vận hành.

Quảng Ninh muốn xây tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái dài 150km, tiếp nối tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Quảng Ninh muốn xây tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái dài 150km, tiếp nối tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Sau khi đi vào hoạt động, từ Phòng Thành Cảng đến Đông Hưng sẽ kết thúc lịch sử không có giao thông đường sắt, thời gian di chuyển giữa hai nơi sẽ được rút ngắn từ 60 phút hiện nay xuống còn khoảng 20 phút, thành phố cửa khẩu biên giới Đông Hưng cũng sẽ được kết nối với hệ thống đường sắt cao tốc Trung Quốc. Đường sắt Phòng Đông sẽ mở ra tuyến đường sắt cao tốc từ Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ và thậm chí là Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao đến các nước ASEAN, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy trao đổi kinh tế và thương mại giữa hai bên.

UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định, Quảng Tây và Quảng Đông đã hình thành kết nối mạng lưới đường sắt ven biển với tuyến đường sắt cao tốc Hợp Phố – Trạm Giang được khởi công vào năm 2021, và toàn bộ sẽ thông suốt khi tuyến Phòng Đông hoàn thành vào cuối năm nay. Bằng loại hình đường sắt cao tốc, các thành phố ven biển của Trung Quốc và Việt Nam sẽ được kết nối nhanh với nhau, từ khu vực vịnh lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao đi qua Trạm Giang – Bắc Hải – Phòng Thành Cảng tới Móng Cái – Vân Đồn – Hạ Long – Hải Phòng – Hà Nội. Việc sớm triển khai tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc). Sẽ hiện thực hóa sự kết nối Việt – Trung, gia tăng lợi thế bổ sung và hợp tác cùng có lợi nhờ “con đường tơ lụa thép” được hy vọng sẽ xâu “thị” thành chuỗi.

>>>Đường sắt kết nối Việt - Lào đoạn Vũng Áng - Mụ Giạ sẽ theo phương thức PPP

>>>Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: Đầu tư mới hạ tầng thay vì cải tạo

Không những thế, tuyến đường sắt này sẽ góp phần quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và thị trường ASEAN, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Trong công văn gửi Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Quảng Ninh còn cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 3 tuyến đường sắt gồm: Tuyến Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân có chiều dài dự kiến 129km, khổ đường 1.000mm và 1.435mm, lộ trình đầu tư đến năm 2030. Tuyến Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh có chiều dài dự kiến 101km, khổ đường 1.435mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030. Tuyến Hạ Long - Móng Cái có chiều dài dự kiến 150km, khổ đường 1.435mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.

Để triển khai quy hoạch mạng lưới đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Đường sắt Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (điểm cuối tại thành phố Hạ Long).

Nhà ganằm trong dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân

Nhà ga Hạ Long nằm trong dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang trong tình trạng "chết lâm sàng"

Theo quy hoạch, dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang được thực hiện. Dự án được Chính phủ cho phép đầu tư vào năm 2004, có tổng chiều dài 130km, chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập: Hạ Long - cảng Cái Lân; Lim - Phả Lại; Phả Lại - Hạ Long; Yên Viên - Lim. Tổng mức đầu tư toàn dự án được điều chỉnh đến tháng 3/2012 là 7.665 tỷ đồng.

Dự kiến, dự án hoàn thành vào năm 2011 để nâng cao năng lực vận tải đường sắt từ Hà Nội đến Quảng Ninh. Nếu tuyến đường này hoàn thành, tàu không phải chạy ngược từ ga Yên Viên lên Kép và hành trình chạy từ Hạ Long về Yên Viên còn 1,5 - 2 giờ với tàu khách và 3- 4 giờ với tàu hàng.

Tuy nhiên, do phải tạm đình hoãn theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP của Chính phủ, dự án bị “tê liệt” nhiều năm, đến nay chưa bố trí nguồn vốn để tiếp tục triển khai hoàn thiện. Tiểu dự án Ga Hạ Long đã hoàn thành với chi phí hàng trăm tỷ thì gần như không có khách, hoang tàn và xuống cấp.

Được biết, ga Hạ Long được khởi công từ 5/2005 và đưa vào sử dụng từ 10/2014, là tiểu dự án ga Hạ Long - ga Cái Lân - cầu vượt Bàn Cờ với tổng vốn đầu tư 1.510 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ.

Nhà ga này được đánh giá đạt chuẩn quốc tế, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dạng bề thế nhất nhì miền Bắc, nằm trong dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân do Bộ Giao thông và Vận tải làm chủ đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 7000 tỷ đồng, hứa hẹn là “cung đường vàng” kết nối các tỉnh vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, trái với kì vọng ban đầu, tuyến đường sắt này hiện nay gần như không có hàng hóa và hành khách lưu thông.

Nếu dự án đường sắt Hạ Long – Móng Cái sớm đi vào hoạt động, thì các nhà ga trăm tỷ đang “chết lâm sàng” như ga Hạ Long, ga Cái Lân (TP. Hạ Long) có khả năng sẽ có cơ hội “hồi sinh”.

Có thể bạn quan tâm

  • Đường sắt kết nối Việt - Lào đoạn Vũng Áng - Mụ Giạ sẽ theo phương thức PPP

    Đường sắt kết nối Việt - Lào đoạn Vũng Áng - Mụ Giạ sẽ theo phương thức PPP

    00:30, 16/10/2023

  • Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: Đầu tư mới hạ tầng thay vì cải tạo

    Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: Đầu tư mới hạ tầng thay vì cải tạo

    03:00, 15/10/2023

  • Trung Quốc toan tính gì với tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan?

    Trung Quốc toan tính gì với tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan?

    03:30, 31/08/2023

  • Sớm triển khai tuyến đường sắt kết nối cảng biển

    Sớm triển khai tuyến đường sắt kết nối cảng biển

    03:00, 21/08/2023

  • Không để đường sắt “mắc kẹt”

    Không để đường sắt “mắc kẹt”

    02:05, 02/08/2023

LAN VŨ