Quảng Ninh: Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP từ “làng” lên “phố”
Với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, chương trình OCOP ở Quảng Ninh đã phát huy được lợi thế sản vật vùng miền. Qua đó tạo việc làm cho lao động và nâng cao giá trị sản phẩm.
>>>Quảng Ninh: Phát triển nguồn năng lượng xanh
Nỗ lực từ chính mình
Ông Đào Đức Yêm - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cái Rồng cho biết: Năm 2019, nước mắm sá sùng Cái Rồng đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao. Với phương pháp sản xuất truyền thống, nước mắm Cái Rồng luôn có hương vị tự nhiên, độ đạm cao, chứa đầy đủ các axit amin và khoáng chất bồi bổ sức khỏe, có vị mặn đặc trưng và an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Yêm cho biết thêm, Đáp ứng nhu cầu của thị trường, công ty đã chú trọng vào việc nâng cao chất lượng, cụ thể là nguồn nguyên liệu đầu vào phải tươi. Thứ hai là khâu chế biến, tăng cường phơi đánh, tạo hương thơm cho nước mắm. Đối với nước mắm sá sùng, chúng tôi đã nâng cao chất lượng và có công nghệ riêng tạo mùi vị, màu sắc, độ đạm cao, được nhiều khách hàng tin tưởng và chọn lựa trong các bữa ăn của gia đình.
Hiện Công ty CP Thuỷ sản Cái Rồng có hơn 10 mẫu sản phẩm với độ đạm khác nhau từ 15% đến trên 40%, giá thành dao động 44.000-350.000 đồng/cặp tuỳ loại. Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất khoảng 500.000 lít nước mắm. Hiện nay, với hàng trăm đại lý, điểm bán hàng, sản phẩm nước mắm Cái Rồng của công ty không chỉ có mặt ở thị trường trong tỉnh, mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương khác, như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng...
“Để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất hướng tới phát triển bền vững, công ty đã đầu tư nhà xưởng và dây chuyền đóng chai hiện đại; đầu tư nhà kính nhằm tăng nhiệt phơi sản phẩm nước cốt sau khi được chắt lọc; thay đổi quy trình phơi ngấu để nâng cao độ đạm cho sản phẩm. Công tác bảo quản cũng được quan tâm đặc biệt, công ty không sử dụng chất bảo quản mà dùng phương pháp truyền thống là bể muối để lọc, vừa tăng độ tinh khiết, vừa bảo quản được sản phẩm lâu” - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cái Rồng cho biết thêm.
Theo tỉnh Quảng Ninh: Thời gian qua, Ban Chỉ đạo OCOP của tỉnh đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn về chu trình OCOP, theo đó yêu cầu tất cả các sản phẩm tham gia chu trình OCOP phải có kế hoạch, lộ trình thực hiện chuyển đổi số, đảm bảo phù hợp với lộ trình thực hiện Đề án chuyển đổi số của tỉnh; đặc biệt là hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội, trang bán hàng điện tử để giới thiệu sản phẩm vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ các trung tâm OCOP. Nhiều đơn vị sản xuất đã tăng cường liên kết với các hộ để mở rộng sản xuất, thu mua nguyên liệu cho người dân... tiếp tục hoàn thiện điều kiện về tổ chức để tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm.
Hằng năm, tỉnh bố trí ít nhất 4% ngân sách chi thường xuyên để ưu tiên cho phát triển KHCN vào những lĩnh vực trọng tâm như: Dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại, sản xuất, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Chắp cánh cho sản phẩm
Để đưa sản phẩm từ " làng" về “phố” là một điều không hề đơn giản với những người nông dân. Theo chị Nguyễn Thuý Hà – Giám đốc HTX Nông - Lâm - Ngư nghiệp Việt Hưng HTX kể: “Trước năm 2021 khi chưa thành lập HTX, nông sản lớn ở Hoành Bồ nhưng thường xuyên chịu cảnh “được mùa mất giá" thảm hại, đây là điểm yếu của nông dân Sơn Dương.
Theo chị Hà: Vốn là những người có kinh nghiệm, HTX định hướng làm nông nghiệp sạch vốn là điều người tiêu dùng mong đợi. Qua nghiên cứu, HTX quyết định phát huy điểm này, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh là ổi lê, khau nhục truyền thống Sơn Dương và trà thảo dược từ gạo lứt, đỗ đen, xạ đen được canh tác tại chỗ.
Ban đầu, HTX rót vốn, thuê đất, trồng thử nghiệm rồi vận động người dân tham gia, liên kết. Bất ngờ là ý định sản xuất hữu cơ, sản xuất sản phẩm sạch ban đầu bị phá sản bởi nông dân không muốn bỏ cách canh tác truyền thống vốn cho kết quả, năng suất ngay sau 1 vụ mùa canh tác. “Công sức của HTX, đặc biệt là số vốn 2 tỷ đồng của tôi dành dụm đã dần cạn. Điều này khiến Ban Giám đốc khá lo lắng” - chị Hà kể.
Giai đoạn này, có thời điểm nông sản, hoa quả, đặc biệt là sản phẩm ổi lê Hoành Bồ ở đây đúng vụ tháng 7, 8 được mùa nhưng bị ép giá, có lúc chỉ 2.000-5.000 đồng/kg. HTX quyết định xây dựng lại thương hiệu bằng cách tìm hiểu, sáng tạo thành công loại phân bón sinh học từ chế phẩm vi sinh, đậu nành, cá... Chế phẩm này được thí điểm trên cây ổi trồng ở thôn Vườn Rậm vốn có diện tích canh tác kém màu mỡ nhất, cho quả ổi sản lượng cao chính vụ, đặc biệt cho quả ổi lê to, ngọt trái vụ, đạt giá trị kinh tế cao.
Từ thành công này, quả ổi của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, đã có 52 hộ dân tham gia mô hình, diện tích canh tác đạt trên 12ha. Tiếp đó, HTX đã nghiên cứu, đưa ra quy trình sản xuất các sản phẩm thế mạnh đặc thù: Khau nhục, ổi lê và trà gạo lứt đỗ đen xạ đen...
Theo đó, HTX kết nạp các thành viên, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, giám sát chất lượng đồng thời bao tiêu sản phẩm. Với cách làm này, HTX cũng tổ chức nhóm 12 hộ gia đình giỏi nấu khau nhục mang hương vị đặc trưng, đăng ký nhãn hiệu tập thể; tổ chức canh tác gạo lứt, đỗ đen, xạ đen tại chỗ làm nguyên liệu chế biến trà thảo dược...
HTX cũng xây dựng quy trình sản xuất, vận động hướng dẫn bà con trong xã tham gia sản xuất, chú trọng đến nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố thương hiệu sản phẩm. HTX đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn mời các chuyên gia thương hiệu giống cây trồng Phú Nông, vụ, viện nghiên cứu về để tập huấn kỹ thuật.
Nhờ đó, các sản phẩm OCOP ổi lê, khau nhục, trà gạo lứt, đỗ đen và xạ đen... lần lượt được công nhận OCOP hạng 3-4 sao năm 2022. Với cách vận hành kết hợp cùng người dân, các sản phẩm OCOP đươc đưa từ làng lên phố tiêu thụ rộng rãi. Đặc biệt từ đầu năm đến nay đã bán ra thị trường 1,3 tấn khau nhục, mang lại doanh thu 260 triệu đồng. Sản phẩm ổi lê cũng đạt giá trị trung bình 18.000 đồng/kg ổi, tạo thu nhập bình quân đạt 20 triệu đồng/sào ổi, cao hơn nhiều so với cách canh tác truyền thống...
Nhằm đưa các sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật... vào quy trình sản xuất, kinh doanh. Từ đó, từng bước khẳng định được thương hiệu riêng, nâng tầm các sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Song song với đó, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng KHCN cũng đã được tỉnh triển khai đồng loạt, góp phần thúc đẩy KHCN vào sản xuất trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, tỉnh bố trí ít nhất 4% ngân sách chi thường xuyên để ưu tiên cho phát triển KHCN vào những lĩnh vực trọng tâm: Dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại, sản xuất, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh để chinh phục người tiêu dùng.
Với những hoạt động tích cực, đồng bộ, đến nay toàn tỉnh có 336 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3-5 sao (trong đó có 246 sản phẩm đạt 3 sao, 86 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 5 sao). Dự kiến có 80 sản phẩm đã cấp sao đến hạn 36 tháng đề nghị cấp lại sao đánh giá trong năm 2023; 50 sản phẩm đăng ký mới tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm năm 2023.
Được biết, trong năm 2023, hội đồng thẩm định Trung ương tiến hành đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, Quảng Ninh có 7 sản phẩm tham dự đánh giá. Theo kết quả đợt 1, Quảng Ninh có 2 sản phẩm thuộc nhóm ẩm thực là: Trà hoa vàng Ba Chẽ của Công ty Lâm sản Đạp Thanh; trà hoa vàng Quy Hoa của Công ty Thương mai dịch vụ xuất nhập khẩu Quy Hoa đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thông qua. Trong đó, sản phẩm trà hoa vàng Quy Hoa đã được chứng nhận 5 sao cấp quốc gia.
Có thể bạn quan tâm