Sóc Trăng thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp
Với vị trí thuận lợi về kết nối giao thông, các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, phát triển.
>>Xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của ĐBSCL
Lợi thế thu hút đầu tư
Vừa qua, nhiều công trình, dự án hạ tầng giao thông chiến lược trọng điểm quốc gia đã được triển khai thi công, càng làm tăng thêm sức hấp dẫn về môi trường đầu tư của tỉnh Sóc Trăng nói chung, trong đó có các khu công nghiệp trên địa bàn.
Trong đó, Dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (khởi công ngày 17/6/2023) khi hoàn thành sẽ tạo động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng và cả vùng ĐBSCL nói chung; tạo điều kiện thuận lợi kết nối các khu công nghiệp của tỉnh với các trung tâm kinh tế và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi, bắc qua sông Hậu, trên tuyến Quốc lộ 60 vừa được khởi công xây dựng vào ngày 15/10/2023. Khi dự án này hoàn thành, sẽ tạo kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với TP.HCM, rút ngắn khoảng 80 km khi di chuyển từ Sóc Trăng về TP.HCM so với tuyến Quốc lộ 1.
Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định ưu tiên thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển khu bến cảng biển Trần Đề phù hợp với năng lực của nhà đầu tư và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành cảng biển đặc biệt và cửa ngõ của vùng ĐBSCL.
Việc đầu tư cảng biển Trần Đề không chỉ hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, khơi thông điểm nghẽn xuất nhập khẩu hàng hóa, mà còn tạo động lực mạnh mẽ để thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng và vùng ĐBSCL.
Ông Lâm Hoàng Nghiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo quy hoạch phát triển khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Sóc Trăng có 5 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 1.106ha.
Khu công nghiệp An Nghiệp thuộc huyện Châu Thành hiện tại có 50 doanh nghiệp đầu tư, với 66 dự án, lấp đầy 97% diện tích. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Khu công nghiệp An Nghiệp tạo việc làm bình quân cho khoảng 25.000 lao động/năm; tạo ra giá trị công nghiệp trên 14.200 tỷ đồng; đóng góp cho ngân sách tỉnh bình quân khoảng 733 tỷ đồng/năm.
Khu công nghiệp Trần Đề thuộc huyện Trần Đề đang tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Phát triển thêm 8 khu công nghiệp
Theo quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu sử dụng đất khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là 4.921 ha với 10 khu công nghiệp (trong đó có 1 khu công nghiệp mở rộng). Theo đó, 10 khu công nghiệp này bao gồm 2 khu công nghiệp đã thành lập là khu công nghiệp An Nghiệp và khu công nghiệp Trần Đề.
8 khu công nghiệp thành lập mới bao gồm: Khu công nghiệp Sông Hậu diện tích 286 ha thuộc huyện Kế Sách. Khu công nghiệp Sông Hậu được chia thành hai phân khu, phân khu 1 có diện tích 121 ha; phân khu 2 có diện tích 165 ha. Theo quy hoạch, khu công nghiệp Sông Hậu là khu công nghiệp đa ngành, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao như sản xuất linh kiện, lắp ráp sản phẩm điện máy, điện công nghiệp, công nghiệp điện tử, điện thoại, truyền thông...
Khu công nghiệp Đại Ngãi diện tích 196 ha, thuộc huyện Long Phú, đây là khu công nghiệp đa ngành ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp dệt may, da giày, chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp, các ngành cơ khí, các ngành tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Khu công nghiệp Mỹ Thanh diện tích 217 ha, thuộc TX Vĩnh Châu. Đây là khu công nghiệp chuyên ngành hoặc đa ngành, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, điện khí, logistics.
Khu công nghiệp Đại Ngãi 2 diện tích 250 ha, thuộc huyện Long Phú. Đây là khu công nghiệp đa ngành ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp dệt may, da giày, chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp và các ngành tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Khu công nghiệp Trần Đề 2 diện tích 700 ha thuộc huyện Trần Đề. Đây là khu công nghiệp đa ngành, trong đó ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp chế biến nông, thủy hải sản, công nghiệp cơ khí, đóng tàu; công nghiệp hỗ trợ, phụ vụ phát triển kinh tế biển.
Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Mỹ có quy mô dự kiến là 1.500 ha (trong đó quy mô diện tích khu công nghiệp là 1.125 ha và khu đô thị - dịch vụ là 375 ha). Vị trí khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Mỹ có phía bắc giáp với khu dân cư xã An Ninh (huyện Châu Thành), Phía tây nam giáp với khu dân cư xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú), phía đông giáp với đường vành đai 2 (TP Sóc Trăng), phía tây nam giáp đường tỉnh 939.
Khu công nghiệp Khánh Hòa có quy mô dự kiến 350 ha, thuộc TX Vĩnh Châu. Đây là khu công nghiệp đa ngành, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Trần Đề có quy mô dự kiến là 850 ha, trong đó quy mô diện tích khu công nghiệp là 638 ha và khu đô thị - dịch vụ là 212 ha, được quy hoạch là khu công nghiệp đa ngành.
Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển các khu công nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng có tính chất đa ngành. Trong đó, chú trọng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ và thân thiện môi trường.