Thanh Hóa: Tăng cường kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn
Tại hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023 đã có 11 hợp đồng cung ứng - tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, đơn vị được ký kết.
>>CHUỖI CUNG ỨNG NÔNG NGHIỆP AN TOÀN: Cần thay đổi tư duy liên kết sản xuất kinh doanh
Đây là sự kiện mở ra góp phần thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hình thành nhiều chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; quảng bá nông sản Thanh Hóa góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, gắn với thị trường và theo chuỗi giá trị.
Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành, nhân rộng, tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Các phong trào, mô hình, điển hình tốt về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn được phát huy và xuất hiện các mô hình mới có cách làm sáng tạo, được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia.
Công tác kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn tiếp tục là cầu nối để thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông dân, góp phần phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đã kết nối tiêu thụ tại 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tiêu biểu là các sản phẩm của Công ty CP mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia, Công ty CP Phong cách mới, Công ty CP Nông sản Phú Gia, Công ty TNHH nước mắm Ba Làng, Công ty CP mắm Bạch Câu...
Trong hoạt động thương mại điện tử, toàn tỉnh có hơn 340 doanh nghiệp, HTX, cơ sở tham gia quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử với trên 500 sản phẩm. Sản lượng tiêu thụ qua các sàn chiếm 25 – 30 % sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp, cơ sở.
Tuy nhiên, các hình thức tổ chức và liên kết chuỗi cung ứng – tiêu thụ nông sản của tỉnh Thanh Hóa chưa thực sự ổn định, còn thiếu tính bền vững. Việc phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn còn nhiều hạn chế; tỷ lệ các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn được tiêu thụ thông qua hợp đồng, qua các chuỗi và kênh phân phối hiện đại còn thấp. Thanh Hóa là tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP (trong top 3 của cả nước), song trên 70% chủ thể OCOP là hộ gia đình, HTX hoặc doanh nghiệp gia đình nên năng lực tài chính có hạn, khả năng mở rộng quy mô sản suất, thị trường, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm còn hạn chế.
Ông Phừng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao công tác tổ chức của tỉnh Thanh Hóa, đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong thời gian qua. Hội nghị hôm nay sẽ đánh giá đầy đủ về công tác phát triển thị trường, sản xuất, chế biến và kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn trong thời gian qua. Đồng thời, có các kiến nghị về cơ chế, chính sách, giải pháp để tăng cường gắn kết công tác quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; gia tăng chế biến gắn với phát triển thị trường nông lâm thủy sản trong tình hình mới. Mục tiêu là sản xuất sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu, nhu cầu của thị trường; thực hiện tốt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, kết nối các cơ sản xuất với cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP.
>>CHUỖI CUNG ỨNG NÔNG NGHIỆP AN TOÀN: Liên kết hợp tác cần tuân thủ 4 nguyên tắc
Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, hiệu quả cao theo chuỗi giá trị và gắn với thị trường. Tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ dân. Phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương.
Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các lãnh đạo địa phương, các chủ đầu tư, đơn vị doanh nghiệp và hàng trăm chủ thể sản phẩm nông sản OCOP, an toàn đã có 11 hợp đồng cung ứng - tiêu thụ sản phẩm nông sản thụ phẩm an toàn được ký kết.
Có thể bạn quan tâm