Hải Phòng: Mở rộng hợp tác đầu tư với doanh nghiệp thành phố Kobe Nhật Bản
Hải Phòng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Nhật Bản đến khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển và đầu tư.
>>>Hải Phòng sắp có khu đô thị hơn 1.300 tỷ đồng thuộc khu đô thị Bắc Sông Cấm
Đó là khẳng định của ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn Liên minh nghị sỹ Hữu nghị thành phố Kobe (Nhật Bản) do ông Murano Seiichi, Chủ tịch Liên minh Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam Hội đồng thành phố Kobe, Đảng Dân chủ tự do làm Trưởng đoàn. Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Phó Chủ tịch thành phố hoan nghênh Đoàn công tác đã đến thăm, làm việc tại Hải Phòng. Phó Chủ tịch đã thông tin nhanh về tình hình phát triển kinh tế của thành phố. Với vị trí địa lý thuận lợi, TP. Hải Phòng có cả 5 loại hình giao thông, trong đó thế mạnh là cảng biển, logictics, du lịch... Nhờ đó, TP. Hải Phòng có tốc độ phát triển nằm trong tốp đầu cả nước và là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài.
Được biết, tính hết tháng 9/2023, trên địa bàn TP. Hải Phòng có 890 dự án đầu tư còn hiệu lực của các nhà đầu tư đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt gần 30 tỷ USD. Trong đó, có 144 dự án đến từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư khoảng 7,1 tỷ USD.
Ông Murano Seiichi - Chủ tịch Liên minh hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam Hội đồng thành phố Kobe, bày tỏ trước kết quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh một số điểm tương đồng giữa thành phố Hải Phòng và thành phố Kobe của Nhật Bản như về vị trí địa lý, cảng biển và ưu tiên phát triển kinh tế bền vững.
Tại buổi đón tiếp ông Murano Seiichi cũng nêu rõ, sau buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng đoàn sẽ thông tin với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản về tiềm năng cũng như lợi thế và định hướng của thành phố. Từ đó sẽ mở thêm mối quan hệ trên các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục và ngoại giao nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng bày tỏ mong muốn, qua chuyến công tác lần này sẽ duy trì mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia ngày càng sâu sắc, đồng thời thúc đẩy hơn nữa những kết quả đạt được trong thời gian qua. Thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Nhật Bản đến khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển và đầu tư tại TP. Hải Phòng.
Trước đó, UBND TP.Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cùng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) và Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC) tổ chức “Hội nghị Xúc tiến đầu tư Hải Phòng - Nhật Bản năm 2023” tại Tokyo, Nhật Bản.
Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, trong số các công ty Nhật Bản (có trụ sở chính tại Nhật Bản) đang hoạt động ở nước ngoài có tới 46% số doanh nghiệp này đang cân nhắc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng là một thị trường đang được nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm. Ngoài ra, các tổ chức xúc tiến đầu tư của Nhật Bản cũng đưa ra nhận định, đánh giá Hải Phòng là địa phương có hạ tầng công nghiệp phát triển, nguồn nhân lực dồi dào, chính quyền năng động, nhiệt tình.
Hiện, Hải Phòng có quan hệ hữu nghị hợp tác, kết nghĩa với 6 địa phương của Nhật Bản bao gồm: thành phố Kitakyushu, tỉnh Kagawa, tỉnh Niigata, thành phố Kobe, thành phố Yokkaichi và tỉnh Shiga. Đây được coi là biểu tượng và là minh chứng rõ nét nhất cho mối quan hệ thân thiết, tin cậy giữa hai quốc qia. Những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội mà Hải Phòng đạt được như ngày hôm nay, có đóng góp không nhỏ của Chính phủ và các nhà đầu tư Nhật Bản.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định, với những thế mạnh nổi trội, Hải Phòng luôn ưu tiên thu hút đầu tư, sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà thành phố có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt. Đó là, dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió...
Có thể bạn quan tâm