Cải thiện môi trường đầu tư tại Quảng Nam
Tỉnh Quảng Nam đã xác định yếu tố cải thiện môi trường đâu tư là một trong những vấn đề then chốt để mời gọi doanh nghiệp đến địa phương đầu tư và phát triển.
>>Quảng Nam muốn lập trung tâm công nghiệp hỗ trợ
Trong 10 tháng đã cấp mới 02 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 22,38 triệu USD, chấm dứt hoạt động đối với 03 dự án.
Nâng cấp hạ tầng
Theo số liệu, toàn tỉnh Quảng Nam hiện nay có 1.014 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt gần 5,4 nghìn tỷ đồng, giảm 4,8% về số doanh nghiệp và giảm 17,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế trên địa bàn tỉnh có 194 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 6,06 tỷ USD. Cấp mới 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 1.834,64 tỷ đồng, tổng số dự án trong nước còn hiệu lực là 1.137 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 225 nghìn tỷ đồng.
Thời gian quan, hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến thương mại, du lịch và các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế được tỉnh Quảng Nam chú trọng đẩy mạnh. Về tiềm năng thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Nam có nhiều thuận lợi trong khu vực với quỹ đất rộng lớn để phát triển các dự án gồm 30.000 ha mặt nước, đất công nghiệp quy hoạch 6.918 ha, Khu kinh tế mở Chu Lai 27.040 ha, Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang 31.060 ha, 14 khu công nghiệp, 92 cụm công nghiệp, nguồn nhân lực trẻ, có tay nghề và chi phí lao động thấp, hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện.
Để tiếp tục thu hút được nhiều doanh nghiệp lựa chọn đến đầu tư, Quảng Nam đã lên kế hoạch nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là tích cực tháo gỡ khó khăn cho các khu công nghiệp (KCN) để tạo quỹ đất sạch cũng như tạo thuận lợi về cơ chế. Trong đó, địa phương muốn thu hút thêm các doanh nghiệp có lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới, các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trung tâm tài chính, thương mại - dịch vụ hiện đại, hoạt động nghiên cứu và phát triển, công nghiệp hàng không, công nghiệp xanh...
Vừa qua, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có kết luận về công tác gỡ vướng cho các KCN. Cụ thể, việc điều chỉnh chỉ tiêu đất sẽ tiếp tục được theo dõi, kiến nghị, đề xuất các nội dung liên quan đến việc điều. Đồng thời, Quảng Nam cũng giao Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp rà soát và đánh giá việc sử dụng đất tại các KCN đã thành lập và hoạt động, lưu ý đối với các KCN có tỷ lệ lấp đầy thấp, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm cần xem xét tính toán lại hiệu quả sử dụng đất, trường hợp cần thiết có thể đề xuất điều chỉnh quy mô để sử dụng hợp lý chỉ tiêu sử dụng đất đã được Chính phủ phân bổ.
Về công tác lập quy hoạch Khu công nghiệp sẽ do Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp chủ trì tổ chức lập quy hoạch phân khu cho toàn bộ diện tích các khu công nghiệp đã xác định trong Quy hoạch chung Khu kinh tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với việc đầu tư các khu tái định cư, khu cải táng mồ mả phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các KCN sẽ được tổ chức rà soát và nghiên cứu đề xuất theo hướng đầu tư công đối với các công trình này từ ngân sách tỉnh.
“Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh và các phòng, đơn vị thuộc Ban Quản lý tập trung lực lượng phối hợp, hỗ trợ cùng với các địa phương có KCN, các chủ đầu tư KCN đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch, đảm bảo điều kiện thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong thời gian đến. Xác định phân kỳ đầu tư phù hợp để tập trung GPMB giao đất cho chủ đầu tư KCN”, ông Lê Trí Thanh chỉ đạo.
Mục tiêu “hút” nguồn vốn FDI
Tại Diễn đàn “Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ - Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt ?” mới đây lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã nhắc đến việc địa phương sẽ định hướng xúc tiến đầu tư thành lập Khu công nghiệp Quảng Nam - Hoa Kỳ trên địa bàn tỉnh. Trong đó ưu tiên thu hút ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành kinh tế số như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, năng lượng sạch…
Cụ thể hơn là địa phương sẽ ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp của tỉnh trong chuỗi giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội. Hiện nay, tại Quảng Nam đã có Công ty Cổ phần Tập đoàn Ô tô Trường Hải (THACO) đã trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, quản trị theo phương pháp công nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ.
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin Công ty Cổ phần Tập đoàn Ô tô Trường Hải đã và đang ký kết hợp tác với 20 khách hàng Hoa Kỳ, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 150 triệu USD trên tổng doanh thu xuất khẩu 200 triệu USD năm 2022 với các sản phẩm chủ lực là sơmi rơmoóc, thiết bị, sản phẩm cơ khí, linh kiện phụ tùng trong và ngoài ngành ô tô. Dự kiến doanh thu xuất khẩu năm 2023 là 120 triệu USD.
“Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong nước của tỉnh là doanh nghiệp tư nhân, quy mô vừa và nhỏ, chưa có chiến lược kinh doanh bài bản và dài hơi. Các doanh nghiệp trong nước có trình độ công nghệ thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI, năng lực tổ chức sản xuất và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu của chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI. Một trong những điểm yếu nhất của doanh nghiệp trong nước là khả năng nghiên cứu, phát triển (R&D). Do vậy, các doanh nghiệp trong nước thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng một cách toàn diện các yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, thông số kỹ thuật, nguồn nguyên vật liệu và chính sách đặt hàng của các doanh nghiệp FDI”, ông Hồ Quảng Bửu nói.
Theo ông Bửu, để thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, giúp các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất của các doanh nghiệp FDI thì vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp trong nước cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới quy trình công nghệ, sản xuất mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả, đảm bảo chất lượng,... Vì vậy, Quảng Nam khuyến khích thu hút đầu tư FDI đi cùng với chuyển giao công nghệ, trong khi nhà đầu tư Hoa Kỳ đang nắm các công nghệ này hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà doanh nghiệp Hoa Kỳ rất coi trọng, đó là bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, thương quyền, bản quyền, không có hàng nhái, hàng lậu. Đây là vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp của tỉnh Quảng Nam nói riêng phải hết sức chú trọng trong quá trình hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Vì vậy, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng xã hội, xây dựng hệ thống logistics hiện đại, rộng khắp để nhà đầu tư Hoa Kỳ có nền tảng đến đầu tư lâu dài trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng được các yêu cầu cao của các nhà đầu tư Hoa Kỳ, nhất là nguồn nhân lực về công nghệ. Bên cạnh đó, định hướng thu hút các dự án FDI có chọn lọc kỹ càng hơn, nâng cao các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, giảm lượng khí thải để hướng tới phát triển bền vững và tuân thủ các cam kết chống biến đổi khí hậu,...
Có thể bạn quan tâm
Nhiều khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu Quảng Nam
09:43, 11/11/2023
Đẩy mạnh khởi nghiệp du lịch tại Quảng Nam
08:28, 08/11/2023
Quảng Nam tạo ra giá trị gia tăng từ khai thác dữ liệu số
11:00, 12/10/2023
Vận hành "trái tim" của hệ thống chính quyền số Quảng Nam 1 triệu USD
10:00, 12/10/2023
Doanh nghiệp Quảng Nam đóng ngân sách hơn 12 nghìn tỷ đồng
21:16, 10/10/2023