Nghệ An: Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp tìm hướng đầu tư mới
Trong thời buổi “thóc cao gạo kém” hiện nay, một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn Nghệ An đã chuyển hướng đầu tư, lấn sân sang các lĩnh vực khác nhằm cứu vãn tình hình…
Khó khăn chồng chất
Đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã bắt đầu “ngấm đòn đau” bởi nền kinh tế toàn cầu xảy ra nhiều biến động, gây hệ lụy xấu đến đời sống dân sinh và hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Các doanh nghiệp, nhà máy hiện đang rơi vào tình cảnh bi đát hơn bao giờ hết bởi đơn hàng xuất khẩu giảm, nguyên vật liệu khan hiếm, chi phí sản xuất tăng cao, đã kéo theo việc sản xuất sản phẩm bị trì trệ, sụt giảm nghiêm trọng. Có thể điểm qua một số hàng hóa giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như: Bao bì bằng giấy ước chỉ đạt 37,3 triệu chiếc, giảm 23,78%; đá xây dựng khác 3,3 triệu m3, giảm 22,07%; sợi ước đạt 7,7 nghìn tấn, giảm 21,38%; vỏ bào, dăm gỗ là gần 160 nghìn tấn, giảm 8,49%...
>>Nghệ An: Vướng quy định PCCC, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke tan tác
Ghi nhận từ Cục Thống kê Nghệ An cũng cho thấy, nhu cầu tiêu dùng giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế… là những nguyên nhân chính khiến số doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Nghệ An chỉ có 1.684 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 3,22% so với cùng kỳ năm 2022; với tổng số vốn đăng ký thành lập 15.453,1 tỷ đồng, giảm 21,76%. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động là 1.294 đơn vị, tăng 14,21%; số doanh nghiệp đã giải thể là 205, tăng 16,03%; số doanh nghiệp thông báo giải thể là 289 doanh nghiệp, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực trạng không mấy sáng sủa nêu trên cũng được phản ánh qua đánh giá niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố. Theo đó, Nghệ An chỉ đạt 66,6 điểm, đứng ở vị trí thứ 23/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
>>Nghệ An khuyến khích doanh nghiệp “tố” ngân hàng ép mua bảo hiểm
Đáng nói, trong 4 chỉ số bị tụt hạng của địa phương này, có 2 chỉ só bị tụt sâu nhất là chỉ số gia nhập thị trường khi từ vị trí thứ 29 rơi xuống vị trí thứ 46 và chỉ số đào tạo lao động từ 31 xuống 48. Bên cạnh đó, 2 chỉ số còn lại là chi phí thời gian từ 30 xuống 42 và chỉ số tiếp cận đất đai tiếp tục giảm từ vị trí thứ 40 xuống 45 trên 63 tỉnh, thành phố.
Nhìn những chỉ số bị tụt giảm, có thể thấy doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh cũng như việc tuyển dụng và giữ chân người lao động. Mặt khác, tình trạng kéo dài thời gian, gây phiền hà, nhũng nhiễu vẫn diễn ra ở một số lĩnh vực thủ tục hành chính như: giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy, thuế, phí…
Dịch chuyển hướng đầu tư
Liên quan đến vấn đề doanh nghiệp gặp khó khăn hiện nay, đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Nghệ An nhận định: “Những khoản nợ ngày càng phình to, luôn “thiếu trước hụt sau”, kèm với đó là kết quả kinh doanh bết bát đã khiến cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rơi vào cảnh khó khăn, bết bát. Giai đoạn này, họ đang phải xoay xở bằng việc cắt giảm chi tiêu, nhân lực, quy mô sản xuất để cầm cự, sống sót”.
Cũng mới đây, vào sáng ngày 15/11, một sự việc đáng buồn đã vừa xảy ra tại Công ty CP May Halotexco, địa chỉ tại phường Bến Thủy, TP Vinh. Đó là khoảng 100 công nhân không vào làm việc mà tập trung trước cổng công ty để yêu cầu tăng chế độ, thu nhập. Theo như những công nhân này chia sẻ, lý do họ ngừng việc tập thể là vì mức lương nhận được từ đầu năm đến nay quá thấp, trung bình từ 3,5 – 4,2 triệu đồng/tháng, bao gồm cả tiền công sản lượng và các chế độ nên không đủ để trang trải cuộc sống.
>>Nghệ An tập trung “mổ xẻ” nguyên nhân thu ngân sách đạt thấp
Đại diện lãnh đạo công ty lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là bởi từ đầu năm nay, doanh thu của công ty không đảm bảo vì không có đơn hàng, bị phạt nhiều, trong khi đó giá gia công lại giảm mạnh.
Vụ việc trên cũng đã dấy lên hồi chuông đáng báo động về tình trạng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thách thức hiện nay; gây ra nhiều hệ lụy khó lường, tác động xấu đến đời sống dân sinh, người lao động. Trước thực trạng trên, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh hơn nữa tháo gỡ các khó khăn về thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong kết nối với các tổ chức tín dụng để đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất, xây dựng các chương trình kích cầu tiêu dùng; mở rộng tìm kiếm thị trường mới…
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Tổng giám đốc một công ty lớn chuyên kinh doanh gạo ở Nghệ An rằng: “Để thoát khỏi cơn bĩ cực trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phải nghiên cứu thêm thị trường, đầu tư kinh doanh vào những mặt hàng thiết yếu khác với mục đích không có gì khác là có việc làm cho anh chị em cũng như đưa về doanh thu cho đơn vị”.
Tiết lộ thêm thông tin, vị tổng giám đốc này nói: “Nếu nhìn nhận tổng thể, đồng thời so sánh với các mặt hàng hóa khác thì dầu ăn nhập khẩu là một trong những mặt hàng thiết yếu, được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Đáng chú ý nhất vẫn là dầu hướng dương Nga bởi lợi ích mà nó mang lại khi chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe người dân. Vì vậy, chúng tôi đang hướng đến việc kinh doanh loại dầu này”.
Không chỉ riêng lĩnh vực nói trên, một số doanh nghiệp lớn khác chuyên sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng ở địa bàn Nghệ An cũng đã bắt đầu “rậm rịch” lấn sân sang mảng xây dựng dân dụng, hạ tầng giao thông, công nghiệp…
Trao đổi với PV, đại diện một công ty ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cho hay: Qua tìm hiểu, tôi thấy rằng lợi nhuận của mảng xây dựng công trình hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” rất khả quan. Bởi lẽ, thời gian thi công nhanh chóng, chỉ trong vòng 2 năm trở lại khiến dòng vốn quay vòng được liên tục. Trong khi đó, độ khó thi công những công trình dạng này lại không yêu cầu quá cao về năng lực, còn nguyên vật liệu thì luôn có sẵn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, việc lấn sân sang mảng khác chưa bao giờ là dễ dàng đối với các doanh nghiệp từ trước đến nay, chưa kể là vấn đề đem lại lợi nhuận bởi mức độ cạnh tranh thị trường rất khốc liệt. Nếu muốn mang lại hiệu quả, thành công thì cần phải có một chủ trương đúng đắn, mang tính chiến lược để duy trì, phát triển lâu dài…
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An “trải thảm đỏ”, đón chờ sự hợp tác từ nhà đầu tư Mỹ
02:49, 15/11/2023
Hàng chục dự án đầu tư ở Nghệ An rơi vào “tầm ngắm” kiểm tra
00:30, 09/11/2023
Nghệ An: Trung tâm Xạ trị và Y học hạt nhân ngang nhiên xả thải ra môi trường?
15:00, 07/11/2023
Nghệ An tập trung “mổ xẻ” nguyên nhân thu ngân sách đạt thấp
11:34, 31/10/2023