Thêm 80 triệu USD từ Nhật Bản đầu tư vào Quảng Ninh

THU DUYÊN 17/11/2023 09:57

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh- Nhật Bản 2023, Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) Nhật Bản với tổng số vốn đầu tư trên 80 triệu USD.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh – Nhật Bản năm 2023 vừa diễn ra tại Quảng Ninh trong khuôn khổ lễ hội Hokkaido, nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam- Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2023) và kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh.

Hội nghị thu hút nhiều thành viên Chính phủ Nhật Bản, Chính quyền tỉnh Hokkaido, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp tiêu biểu của Nhật Bản và Việt Nam tham dự....

Hội nghị là cơ hội cho tỉnh Quảng Ninh quảng bá hình ảnh, lợi thế so sánh cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch với chỉ số PCI đứng quán quân cả nước 06 năm liên tiếp (từ 2017 - 2022) gửi tới Chính quyền, người dân Hokkaido, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế Nhật Bản qua đó thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước Việt Nam, Nhật Bản nói chung, giữa Tỉnh Quảng Ninh và Tỉnh Hokkaido nói riêng, từ đó thiết lập quan hệ hợp tác, liên doanh, liên kết, hình thành chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng. 

Tọa đàm xúc tiến đầu tư

Tọa đàm kết nối đầu tư thương mại Quảng Ninh- Nhật Bản

Trong thời gian qua, Quảng Ninh và Nhật Bản đã có mối quan hệ rất chặt chẽ, sâu rộng. Những địa danh, công trình biểu tượng như Cung Văn hóa Lao động Việt - Nhật, Cầu Bãi Cháy, tham gia lập 07 quy hoạch chiến lược Tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 vào năm 2012, tham gia lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào năm 2022… đến các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch, giao lưu văn hóa đậm nét (Lễ hội hoa anh đào, mai vàng Yên Tử, Trung tâm giao lưu văn hóa Việt Nhật tại Trường Đại học Hạ Long…), quản lý môi trường Vịnh Hạ Long, tư vấn chiến lược tăng trưởng xanh thông qua sự hỗ trợ tích cực của tổ chức JICA, JETRO, duy trì quan hệ hợp tác, trao đổi đoàn với một số tỉnh, thành phố của Nhật Bản như: tỉnh Shizuoka, tỉnh Tottori, thành phố Sakai (Phủ Osaka), tỉnh Hokkaido và tỉnh Shiga.…

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trên cả nước được Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản JETRO đánh giá là tỉnh có lợi thế so sánh nhất Việt Nam hiện nay, là vùng đất Hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, lan tỏa giá trị và lợi ích đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân và du khách. 

Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết:

Tại hội nghị, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh đã có quy hoạch tốt, dự án tốt do đơn vị tư vấn Nhật Bản lập và đang chờ đợi các nhà đầu tư tốt từ Nhật Bản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ ra các đặc điểm nổi bật của tỉnh mình, cụ thể:

Thứ nhất, tỉnh Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động nhất của Việt Nam với ASEAN, có Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cùng những đặc sắc “có một, không hai” của Vịnh Bái Tử Long và mạng lưới di tích lịch sử - văn hóa, thương cảng Vân Đồn. Quảng Ninh có trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á, là nơi hình thành ngành công nghiệp đầu tiên và là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống cách mạng “kỷ luật và đồng tâm”. Quảng Ninh có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện khí). Xã hội, con người là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Mảnh đất này nơi duy nhất có nhà Vua sau khi thắng giặc ngoại xâm từ bỏ ngai vàng lên núi hóa Phật, để lại Thiền phái Trúc lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam với tư tưởng về hòa nhập đạo pháp với dân tộc và đoàn kết các tôn giáo, chứa đựng trong mình vũ khí tinh thần bất diệt. “Bản sắc, cốt cách Quảng Ninh khắc họa tính địa phương đậm nét, thể hiện ở nền văn hóa đặc sắc, con người hào sảng, thiên nhiên tươi đẹp”.

Thứ hai, những năm gần đây, Quảng Ninh đang được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược (gồm cả đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy - hàng hải quốc tế), hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng dịch vụ, du lịch, hạ tầng đô thị. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trong 8 năm liên tiếp (2016-2023) đạt 2 con số kể cả trong những giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Riêng năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 11,02%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. Dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quy mô nền kinh tế đạt 312.420 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người 2023 ước đạt 9.400 USD. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 69.46% (đứng thứ 5 cả nước). Thu hút FDI lũy kế trên địa bàn tỉnh đạt trên 13,91 tỷ USD với với 172 dự án từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó, có 12 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2.394 triệu USD chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2023, Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 3,1 tỷ USD, đứng đầu cả nước.

Thứ ba, chính quyền địa phương luôn chủ động, kiến tạo và đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại và tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu... Năm 2022, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước lần thứ hai (2020/2022) giữ vị trí đứng đầu cả 4 chỉ số quan trọng: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR-Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), trong đó, 6 năm liên tiếp (từ 2017 - 2022) giữ vị trí Quán quân chỉ số PCI và 10 năm liền (từ năm 2013 - 2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Thứ tư, Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập 07 quy hoạch chiến lược đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 với sự tham gia của những công ty tư vấn hàng đầu của Nhật Bản (Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050 do Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering – NSC lập; Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Công ty TNHH NIPPON KOEI lập). Kế thừa thành quả của 07 quy hoạch chiến lược, Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và là tỉnh đầu tiên của Vùng đồng bằng sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023, cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1279/QĐ-TTg ngày 01/11/2023 với sự tham gia trở lại của các tư vấn hàng đầu quốc tế: Công ty McKinsey-Hoa Kỳ và Công ty Nikken Sekkei - Nhật Bản đã mở ra không gian phát triển và nhiều cơ hội thu hút đầu tư mới. Như lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói: “Có quy hoạch tốt thì mới có dự án tốt và nhà đầu tư tốt”. Quảng Ninh đã có quy hoạch tốt, dự án tốt do đơn vị tư vấn Nhật Bản lập và đang chờ đợi các nhà đầu tư tốt từ Nhật Bản.

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu hướng đến năm 2030 trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm trên 10%, GRDP bình quân đầu người đến năm 2024 đạt trên 10.000 USD, đến năm 2030 đạt 19.000 - 20.000 USD.

Để hoàn thành toàn diện mục tiêu trên, đại diện tỉnh Quảng Ninh mong muốn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành của cộng đồng nhân dân, chính quyền và các doanh nghiệp Nhật Bản. Quảng Ninh sẽ lắng nghe những ý kiến đóng góp của Nhật Bản để hoàn thiện tiêu chí, chính sách thu hút đầu tư, trở thành đối tác tin cậy của Nhật Bản nói chung và Tỉnh Hokkaido nói riêng, cùng xây dựng Tỉnh Quảng Ninh thành nơi đáng đến, đáng sống của cộng đồng người dân và các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tại Hội nghị đã diễn ra Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án FDI Nhật Bản tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, gồm Dự án Nhà máy sản xuất cơ khí chính xác Castem Việt Nam, Dự án Parts Seiko Việt Nam, Dự án Nhà máy Tamagawa Việt Nam, Dự án Nhà máy Sản xuất sản phẩm công nghiệp Fujix Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 80 triệu USD.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Kích cầu du lịch qua lễ hội Hokkaido tại Hạ Long

    Quảng Ninh: Kích cầu du lịch qua lễ hội Hokkaido tại Hạ Long

    00:00, 10/11/2023

  • Thêm doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư dự án tại Quảng Ninh

    Thêm doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư dự án tại Quảng Ninh

    07:26, 07/11/2023

THU DUYÊN