Thủ tướng Chính phủ: Lai Châu cần làm tốt 3 đột phá chiến lược
Các bộ, ngành cần tích cực hỗ trợ Lai Châu, nhất là làm bằng được các công trình hạ tầng kết nối trong nội tỉnh, kết nối với vùng, với cả nước và quốc tế; chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực.
>>>Lai Châu: Tạo lợi thế cạnh tranh cho cây sâm nhằm hướng tới xuất khẩu
Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đến nay và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh sáng 19/11.
Thủ tướng nhấn mạnh, Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đồng thời có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế-xã hội, nhất là về nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, thủy điện, khai khoáng và thương mại, xuất nhập khẩu, kinh tế cửa khẩu. Bên cạnh đó, Lai Châu cũng có những khó khăn như: quy mô kinh tế còn nhỏ; nguồn nhân lực, thu ngân sách, nhất là về hạ tầng giao thông...
Thủ tướng vui mừng và đánh giá cao vì trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lai Châu đã phát huy truyền thống đoàn kết, tập trung nguồn lực, khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và đạt được những kết quả tích cực về nhiều mặt.
Kinh tế tiếp tục phát triển; văn hóa, xã hội đạt kết quả tích cực, bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy; chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên; giảm nghèo khá nhanh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được quan tâm, chăm lo và cải thiện rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; truyền thống đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc được củng cố, phát huy...
Lai Châu thuận lợi phát triển kinh tế biên mậu với đường biên giới dài trên 265 km giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, gồm cả khoáng sản vật liệu xây dựng, khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, trong đó có đất hiếm và nguồn nước khoáng. Khí hậu trung tính và tương đối ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng của bão. Tài nguyên đất khá đa dạng, thuận lợi phát triển cây lương thực (lúa chất lượng cao và đặc sản), cây ăn quả, cây dược liệu (sâm), đặc biệt là một số loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, như: Cao su, chè, quế, sơn tra, mắc ca…
>>>Lai Châu đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo đột phá phát triển
Bên cạnh đó, tỉnh có diện tích rừng lớn, vừa đảm bảo an ninh môi trường, vừa đủ diện tích phát triển rừng sản xuất, tạo sản phẩm gỗ và lâm sản để phát triển kinh tế. Tỉnh nằm trong khu vực đầu nguồn và phòng hộ đặc biệt xung yếu, điều tiết nguồn nước trực tiếp cho các công trình thủy điện lớn trên sông Đà, đảm bảo sự phát triển bền vững cả vùng châu thổ sông Hồng, có nhiều thác ghềnh, lưu lượng lớn, tiềm năng thủy điện lớn. Lai Châu có nền văn hóa đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, giàu tiềm năng để phát triển du lịch.
Với những tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội để tỉnh Lai Châu phát triển nhanh, xanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá, biên giới vững chắc của vùng Trung du và miền núi phía bắc và cả nước, Thủ tướng yêu cầu tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh cần tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phải phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường; biến nguy thành cơ, biến không thành có, biến di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực; vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa khẩu của mình, không trông chờ, ỷ lại. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng tinh thần phát triển tỉnh.
Khẳng định, Lai Châu là địa phương có thế mạnh phát triển về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch. Thủ tướng Chính phủ lưu ý tỉnh phải hết sức chú trọng bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Lai Châu tập trung ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, và kinh tế cửa khẩu theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Đối với nông nghiệp, cần chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển nông nghiệp sinh thái công nghệ cao, tập trung vào các lợi thế của tỉnh về dược liệu, cây công nghiệp và các mặt hàng thế mạnh. Về công nghiệp, tập trung vào chế biến sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, phát triển nhanh, bền vững như điện năng, khai khoáng, tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Về dịch vụ, tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, khí hậu, độ cao...
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lai Châu cần huy động tối đa mọi nguồn lực tổng thể, đa dạng cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công-tư PPP); đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Chú trọng phát triển hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa… Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài.
>>>Lai Châu: Triển khai hiệu quả kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Tỉnh cần khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh; quy hoạch và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó có đất hiếm; quy hoạch, khai thác tiềm năng du lịch trên cao nguyên Sìn Hồ, tạo động lực phát triển mới cho huyện Sìn Hồ và cả tỉnh Lai Châu…
Đồng thời, kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính, nhất là về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vườn ươm phát triển doanh nghiệp.
Song song với đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tỉnh Lai Châu cần giữ gìn và bảo vệ đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển; xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững chắc. Tỉnh cần tập trung làm tốt 3 đột phá chiến lược, trong đó tạo đột phá về thể chế, đột phá về hạ tầng, đột phá về con người là trung tâm, tạo động lực cho phát triển.
Nhấn mạnh cần làm bằng được các công trình hạ tầng lớn kết nối Lai Châu với trong nước và quốc tế, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, triển khai, hoàn thành tuyến đường nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai với TP. Lai Châu tới cửa khẩu Ma Lù Thàng; đề xuất, bố trí nguồn vốn triển khai đầu tư hầm đường bộ qua đèo Khau Co giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu; nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng khả năng triển khai dự án cảng hàng không Lai Châu theo hướng hợp tác công-tư nếu có hiệu quả.
GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 tỉnh Lai Châu tăng 3,91%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 47,2 triệu đồng, tăng 3,4 triệu đồng so với năm 2020. Lai Châu là tỉnh có có tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất cả nước giai đoạn 2006-2021. Tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2023 giảm bình quân 3,4%/năm, riêng huyện nghèo giảm bình quân 4,7%, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra (lần lượt là 3% và 4%).
Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng phát triển giống lúa chất lượng cao, cây trồng có lợi thế và giá trị gia tăng cao. Dịch vụ, du lịch phát triển khá...
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh. Năm 2022, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 27 cả nước, tăng 28 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 24, tăng 14 bậc; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 35, tăng 01 bậc.
Có thể bạn quan tâm